Thứ Sáu, 1/11/2024
Nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở
 
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tham dự Hội nghị.

Theo đánh giá Hội nghị, chương trình phối hợp được ký kết giữa 5 cơ quan, tổ chức đã phát huy được vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; phát huy tốt chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng thời đề cao trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước. Thực hiện chương trình phối hợp, lãnh đạo các bên có liên quan đã quan tâm hơn đến công tác phối hợp tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho công dân.

Đáng chú ý, hoạt động giám sát của các đoàn giám sát liên ngành ở Trung ương và địa phương giám sát đối với một số vụ việc tồn đọng, kéo dài tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc, qua giám sát đã phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sau giám sát, Đoàn giám sát liên ngành có báo cáo kết luận đối với từng vụ việc đồng thời đề xuất kiến nghị cụ thể đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách có liên quan...

Điển hình như là giám sát việc giải quyết khiếu nại về việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với các công dân Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi trú tại huyện Tân Biên; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý và phát triển chợ tại Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội và Thanh Hóa; Giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 05 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang....

Cùng với đó, thực hiện chương trình phối hợp công tác trợ giúp pháp lý, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Trụ sở tiếp dân Trung ương đã chủ động phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tốt các lớp tập huấn, tạo điều kiện để Liên đoàn Luật sư Việt Nam kịp thời đề xuất luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương; phát huy tích cực vai trò của luật sư trong việc giải thích, tuyên truyền pháp luật cho công dân, giảm thiểu những đơn thư khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, không đúng quy định, góp phần giảm tải bức xúc trong nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Từ ngày 14/7/2015 đến 24/9/2015 Liên đoàn Luật sư đã cử 100 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí trong 50 ngày làm việc hành chính; có hơn 600 lượt người dân đã được tư vấn pháp luật và tuyên truyền giải thích pháp luật...

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong những năm gần đây khá phức tạp, một số vụ việc khiếu nại đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, một số vụ việc đã được giải quyết đúng quy định nhưng công dân vẫn cố tình khiếu tố lên các cơ quan Trung ương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn. Ở một số địa phương, công tác tiếp công dân còn chưa được thực sự quan tâm, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa đúng theo quy định dẫn đến khiếu nại vượt cấp. Việc tổ chức các đoàn giám sát liên ngành ở Trung ương giám sát đối với một số vụ việc khiếu kiện kéo dài tuy đã được triển khai nhưng kết quả chưa thực sự rõ nét…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận và thống nhất nội dung công tác năm 2016 gồm 6 nhiệm vụ. Theo đó, các cơ quan tập trung tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; Tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn pháp lý cho nhân dân: Liên đoàn Luật sự Việt Nam tiếp tục cử luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam cử Luật gia tham gia hướng dẫn, tư vấn pháp lý cho công dân, trong đó ưu tiên giải quyết các trường hợp theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ.

Các bên tham gia chương trình phối hợp lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết; Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp....

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc thực hiện ký kết, triển khai chương trình phối hợp giữa 5 cơ quan, tổ chức đã thể hiện rõ vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp được quy định trong Hiến pháp, đồng thời phát huy tích cực vai trò của các tổ chức đặc thù như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan chức năng tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý cho công dân theo quy định của pháp luật.

Nêu lên những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các cơ quan nên ký chương trình phối hợp trước 30/3/2016. Trên cơ sở các nội dung đã được ký kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, nhất là đối với các địa phương còn nhiều bức xúc, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; tiếp tục thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các bên liên quan sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp với các nội dung cụ thể, mạng lại hiệu quả thiết thực.

Đối với địa phương phải tổ chức tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm, với tinh thần chậm nhất tháng 6/2016 thì phải tổ chức thực hiện và 33 tỉnh chưa có chương trình phối hợp thì ký kết chương trình phối hợp trong năm 2016./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 8/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất