Thứ Hai, 23/12/2024
Cần thiết phải ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Luật MTTQ Việt Nam
 
Quang cảnh hội nghị 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì Hội nghị.

Luật MTTQ Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện quyền và trách nhiệm, đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Qua đó, thực hiện phối hợp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp. 

Để thống nhất về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện, hình thức, chương trình, nội dung tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu, cần thiết phải ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại Hội nghị, có rất nhiều ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo các nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, ông Đinh Trường Sơn, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đánh giá, nghị quyết đã quy định chi tiết, cụ thể hóa Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc xác định nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là một nhiệm vụ mới và khó nhưng cũng rất nhạy cảm vì trước đây chưa được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật. Từ khi Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh Ninh Bình chưa nhận được yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần phản biện. Vì thế, ông Sơn đề nghị, trong Điều 3 của chương 3 của Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung về chế tài cụ thể bắt buộc việc phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Bổ sung thêm về vấn đề giám sát và phản biện xã hội, đại diện MTTQ tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung thêm đối tượng giám sát là doanh nghiệp tư nhân trong một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như: chế độ thai sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Đồng thời, việc giám sát phải được làm rõ theo hai hướng là giám sát thường xuyên và giám sát theo kế hoạch (tổ chức cuộc giám sát, giám sát người, giám sát việc).

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc quy định cụ thể, toàn diện việc tổ chức để đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong thực hiện tiếp xúc cử tri là cần thiết cho MTTQ các cấp trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri.  Mặt khác quy định như dự thảo là đồng bộ, thống nhất trong tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tránh việc cấp tỉnh phải ban hành các hướng dẫn trong việc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, ông Hoàng Khắc Trung đề nghị vẫn tiếp tục quy định duy trì tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, có như vậy mới đảm bảo cơ chế cử tri và Nhân dân được thông tin về kết quả giải quyết và trả lời các kiến nghị, phản ánh tại kỳ họp trước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến tại Hội nghị đã cơ bản nhất trí với dự thảo, các ý kiến góp ý đã sáng tỏ vấn đề chủ thể ban hành nghị quyết, hình thức giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đối với hình thức tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những nét đổi mới để việc thực hiện tiếp xúc cử tri ở các địa phương được tiến hành hiệu quả hơn và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của mỗi cử tri sau kỳ họp Quốc hội.

“Điều băn khoăn lớn nhất là MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp tham gia giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, đồng thời kinh phí thực hiện có nhiều vấn đề nảy sinh”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn bày tỏ. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, các đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho Mặt trận về 2 nghị quyết và đây là kim chỉ nam cho hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri trong thời gian tới.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 5/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi