Thứ Tư, 22/1/2025
Tân Dĩnh: Phát huy thế mạnh để xây dựng thành công nông thôn mới
 
Làng quê Tân Dĩnh hôm nay. Ảnh: baobacgiang.com.vn 


Năm 2001, khi Tân Dĩnh được chọn là 1 trong 13 xã trên cả nư
ớc triển khai thí điểm đề án về xây dựng NTM của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đảng ủy xã đã họp bàn xây dựng kế hoạch, biện pháp, mục tiêu phấn đấu từng năm và cả giai đoạn. Sau đó, triển khai nội dung này đến các chi bộ và nhân dân toàn xã. Những tiểu ban ở các thôn được thành lập để tổ chức họp nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung Đề án xây dựng NTM. Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng của Đảng ủy (thành phần có bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng các đoàn thể) đều đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự xã hội, trong đó có an ninh tôn giáo và tiến độ xây dựng NTM, chỉ ra những việc làm được, những hạn chế tồn tại, trên có sở đó đề ra các biện pháp thực hiện. Cách làm đó đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

Căn cứ vào yêu cầu của Đề án và thực tế của các thôn, Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo các thôn chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Do nằm gần trục đường chính nên thôn Dĩnh Xuyên được định hướng tập trung cho phát triển các nghề tiểu, thủ công nghiệp. Điều này đã khơi dậy được lợi thế của thôn. Trên địa bàn thôn xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Còn thôn Cầu Chính có 800 nhân khẩu thì 70% là người Công giáo. Đây là thôn có xuất phát điểm về kinh tế và trình độ dân trí thấp, người dân thường sống khép kín. Ý thức rõ vấn đề này, Đảng ủy, UBND đã chỉ đạo sát sao; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là đồng bào Công giáo. Nhờ đó, bà con trong thôn Cẩu Chính thực hiện tốt đoàn kết lương giáo, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, thôn Cầu Chính đã chuyển đổi gần 10ha/30ha đất của thôn sang trồng hoa. Do đó, thôn không còn hộ đói, giảm hộ nghèo, hơn 80% số hộ có đời sống ổn định, không ít hộ có thu nhập từ bình quân đạt 100-120 triệu đồng/năm. Thôn Tân Sơn 1 là làng cổ có nhiều người già, cán bộ hưu, trẻ em; ít lực lượng lao động, nhưng do hệ thống chính trị của xã làm tốt công tác dân vận nên người dân ở đây luôn có ý thức về xây dựng NTM. Thôn đã huy động tài lực, vật lực của trong dân để bê tông hóa 680m đường bao quanh làng. Được chính quyền xã hỗ trợ và được các công ty trên địa bàn ủng hộ, thôn đã hoàn thành các hạng mục công trình công cộng của thôn như nhà văn hóa, kênh mương thoát nước, hệ thống tưới tiêu…

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã quan tâm nhân rộng điển hình trên địa bàn. Từ hơn chục hộ làm nấm sò, nấm trứng ở thôn Tân Văn 1 (trung bình thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/ hộ /vụ) xã đã nhân rộng thành một tổ hợp sản xuất nấm với diện tích trên 120.000m2 cho thu nhập khá và ổn định. Ngoài ra, Đảng ủy chỉ đạo UBND và các đoàn thể nhân dân xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường giao thông và kênh mương; dồn điền đổi thửa, xây dựng các khu nuôi trồng thủy sản, trồng rau củ chế biến xuất khẩu; chọn giống lúa nếp cái hoa vàng và các loại lúa cho năng xuất cao, chất lượng tốt đưa vào thâm canh. Đồng thời đưa ra chủ trương thay thế cây vải thiều bằng cây bưởi Diễn, nhãn và trồng thí điểm ở thôn Dĩnh Lục 2 cho kết quả khả quan; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn với việc thu hút các chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, phát triển thương mại dịch vụ, chuyển đổi chợ Giỏ thành khu trung tâm thương mại của xã; quy hoạch khu xử lý rác thải…

Với phương thức chỉ đạo dựa trên đặc điểm, thế mạnh của từng thôn để đưa ra định hướng phát triển kinh tế phù hợp của Đảng ủy, UBND xã, đến nay 16 thôn trên địa bàn xã đều tìm được cách làm sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những nhân tố quyết định đưa đến thành công trong xây dựng NTM ở Tân Dĩnh.

Đến cuối năm 2014, các tiêu chí về xây dựng NTM ở Tân Dĩnh đã hoàn thành. Thu nhập bình quân của xã đạt 30,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,2%. Toàn xã có 100% số hộ có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, được sử dụng điện lưới quốc gia, có xe gắn máy, tivi màu, được sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh. …  

Song song với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND còn quan tâm đến phát triển giáo dục và xây dựng ý thức công dân trong người dân. Những năm gần đây, UBND xã đã đầu tư 7 tỉ đồng cho trường mầm non và tiểu học để con em trong xã có thêm 12 phòng học mới cùng các công trình phụ trợ. Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trong vùng đồng bào Công giáo đã luôn phối hợp chặt chẽ trong công việc tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo sống đoàn kết, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo. Đây là tiền đề quan trọng để đồng bào có đạo và không có đạo yên tâm làm ăn, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhân dân xã vận động người dân tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trước hết là thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong tổ chức lễ hội và sinh hoạt tôn giáo; vận động các gia đình và nhà trường quản lý nghiêm các cháu học sinh, không để các cháu mắc các tệ nạn xã hội. Qua đánh giá, phân loại hằng năm trên địa bàn xã có hơn 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Từ năm 2001 đến ngày 30/9/2014, xã đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ nhân dân (trong đó có nhiều bà con có đạo) và 7,3 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cho xây dựng NTM; đồng thời đóng góp trên 8.000 ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm mương, làm đường, mở rộng nhà văn hóa các thôn. Chỉ tính 4 năm gần đây Tân Dĩnh đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó 12 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, còn lại là Nhà nước hỗ trợ.

Với những kết quả đó, Tân Dĩnh đã cán đích trước kế hoạch một năm về xây dựng NTM. Ngày 28/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định công nhận xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang đạt chuẩn NTM năm 2014. Hiện nay số lao động làm nông nghiệp của xã chiếm 34% tổng số lao động của xã. Với sự phát triển, mở rộng của hàng chục cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn xã đã, đang tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động của địa phương, hứa hẹn trong tương lai không xa Tân Dĩnh sẽ còn mạnh giàu hơn nữa./.

Nguyễn Công Huyên

 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác