Thứ Bảy, 21/12/2024
Phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh:TH) 


Phát biểu tại tọa đàm các đại biểu dự cho rằng, Ủy viên Ủy ban là người có đủ tiêu chuẩn được MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử vào Ủy ban MTTQ Việt Nam, là người đại diện của các tổ chức thành viên của Mặt trận. Ủy viên Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tổ chức và quyết định việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ ở mỗi cấp.

Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi MTTQ Việt Nam phải đổi mới để nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, nhằm phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, dựa vào nhân dân để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận. Việc phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng phải dựa vào phương thức trên.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tại các hội nghị, ý kiến của ủy viên chủ yếu theo các văn kiện đã chuẩn bị sẵn. Việc đăng ký phát biểu là tự nguyện chưa thành một yêu cầu, trách nhiệm nên sự đầu tư chuẩn bị còn hạn chế, chủ đề đôi lúc chưa tập trung. Nhiều hội nghị không dành đủ thời gian để các ủy viên phát biểu hoặc chỉ chú trọng sắp xếp phát biểu lãnh đạo ban, ngành, các tổ chức thành viên…

Ông Trần Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, trong thực tế, việc thực hiện quyền dân chủ tham gia thảo luận, kiến nghị, chất vấn về tổ chức, hoạt động của Mặt trận cùng cấp không phải là không thực hiện được nhưng còn hạn chế về quy mô, chất lượng, hiệu quả và đối tượng tham gia. Những buổi thảo luận của Mặt trận thường không theo kịp sự sôi động, bức xúc của cuộc sống, sự phong phú, đa dạng trong tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Các thành viên cũng thiếu thốn thông tin cần thiết từ phía tổ chức mặt trận và các lĩnh vực ngành, giới của họ. Chỉ đến kỳ sinh hoạt của Mặt trận, được mời họp, họ mới trở lại đời sống Mặt trận, còn phần lớn thành viên đều thường xuyên lo toan công việc chuyên môn của mình. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho thành viên thực hiện quyền, trách nhiệm của mình theo Điều lệ. Cách thức tổ chức của Mặt trận còn nặng tính hình thức, chưa khuyến khích các thành viên thực hiện quyền, trách nhiệm, chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của họ với tổ chức Mặt trận mà họ tham gia...

Đưa ra một số giải pháp cần triển khai đồng bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức nêu rõ, để các cuộc lấy ý kiến có hiệu quả cao hơn cần có sự lựa chọn chủ đề phù hợp, chọn các thành viên có chuyên môn để tham gia thảo luận. Nhằm phát huy vai trò của các thành viên trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến nhân dân, cần quy định rõ hơn trách nhiệm, thậm chí cả quy trình hoạt động của họ trong việc tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước khi bàn định những vấn đề xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cần phát huy mạnh mẽ tính đại diện, tiêu biểu, thiết thực của các Ủy viên Ủy ban trong các hoạt động của MTTQ; bổ sung, hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm thành viên trong Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, việc tham gia các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, phát động cần sự tích cực, nêu gương của các cá nhân tiêu biểu. Bên cạnh đó, các mô hình tổ chức của Mặt trận cần đổi mới, hoàn thiện để lôi cuốn các thành viên tham gia một cách thiết thực, có tổ chức; có chế độ chính sách phù hợp đối với Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp nói chung, nâng cao nhận thức, năng lực giám sát cho các thành viên Mặt trận. Cần lựa chọn những cá nhân đủ đức, đủ tài tham gia công tác Mặt trận, tránh tình trạng kết nạp do nể nang, cơ cấu, dẫn đến tình trạng họ không phát huy được vai trò của mình...

Cùng với đó, cần tạo điều kiện cần và đủ để phát huy vai trò thành viên cá nhân trong Mặt trận. Về cơ bản và lâu dài cần đổi mới công tác mặt trận theo hướng xác định rõ và đúng đắn quan niệm về công tác mặt trận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Đó chính là cơ sở để xây dựng đội ngũ thành viên cá nhân của Mặt trận phù hợp với sự đổi mới. Biết phát huy vai trò thành viên cá nhân, MTTQ Việt Nam sẽ thêm sức mạnh trong việc củng cố và phát huy khối đại đoàn kết…/.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 19/10/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất