Thứ Năm, 19/12/2024
Hà Nội: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng giai cấp công nhân

 Các đại biểu dự hội nghị

Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Lam cùng đại diện các vụ, viện Ban Dân vận TƯ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Lãnh đạo TP Hà Nội dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; cùng đại diện các ban, ngành, Ủy ban MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố... 

Theo Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Lan Hương, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 231.000 doanh nghiệp (DN) với tổng số 2,5 triệu công nhân lao động. Theo quy hoạch được duyệt, thành phố có 19 khu công nghiệp tập trung, đến nay đã và đang hoàn thiện 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 9 khu đã đi vào hoạt động với 639 DN, thu hút trên 145.000 lao động, trong đó có gần 1.200 lao động nước ngoài. Số công nhân đã qua đào tạo chiếm 62%. Đa số công nhân tuổi đời còn trẻ, năng động, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh với khoa học công nghệ hiện đại, với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế....

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, các cấp ngành thành phố đã phối hợp với công đoàn các cấp tổ chức trên 1.000 lớp nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị trong đoàn viên, công nhân lao động Thủ đô. 

Công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật, năng suất lao động cho công nhân đã đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, ngân sách thành phố và Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề dành 80 tỷ đồng cho các trường dạy nghề công lập, đầu tư 116,2 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm thành phố bố trí 30-35 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương cũng nhấn mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được quan tâm, từng bước cải thiện. Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, 10 năm qua, thành phố đã tổ chức 996 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 525.787 lượt người và giới thiệu, tạo việc làm mới cho 142.849 người lao động. Việc cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, dự án sản xuất, kinh doanh được thành phố quan tâm. Từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã có 13.270 dự án, với số tiền trên 1,6 tỷ đồng được hướng dẫn cho vay, giải quyết việc làm cho 264.500 lao động.

Bên cạnh kết qủa đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, như giai cấp công nhân đã phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Số công nhân lao động được đóng BHXH, BHYT còn thấp. Thành phố mới có 3/9 khu công nghiệp, chế xuất xây dựng được nhà ở cho công nhân lao động, với số lượng hạn chế. Đời sống công nhân lao động nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống.

Công tác đào tạo trong các trường, trung tâm dạy nghề vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa sát với nhu cầu cung ứng lao động cho các ngành, khu vực sản xuất công nghệ cao.


 Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho 10 tập thể đã có thành tích
trong thực hiện 
Nghị quyết 20-NQ/TW

Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và rút ra bài học kinh nghiệm, Thành ủy Hà Nội cũng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU thời gian tới.

Tiếp đó, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố cùng các quận, huyện cũng đã có ý kiến làm rõ hơn về vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng với công nhân lao động; công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền với nhiều cách làm hay, thiết thực trong triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU... 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận TƯ Nguyễn Lam cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW một cách bài bản, chu đáo. 

Đồng tình và đánh giá cao kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Lam nhận định, cấp ủy các cấp của Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, toàn diện, có chiều sâu Nghị quyết số 20-NQ/TW, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, ban hành chương trình hành động đồng thời với việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện, nhất là ban hành các chính sách chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đã luôn coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Để tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW trong thời gian tới, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, toàn diện đồng bộ Nghị quyết; chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng, phối hợp thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết.


 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết thúc Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp triển khai thực hiện chủ động, nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện và sáng tạo, có những nghị quyết chuyên đề phù hợp với đặc điểm tình hình Thủ đô, đem lại hiệu quả thiết thực, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật.

Thành phố cũng đã tập trung các nguồn lực tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, phối hợp chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực thi đua lao động sản xuất trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

Để khắc phục những mặt hạn chế đã được chỉ rõ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động 32-CTr/TU; gắn với việc thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI; Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.

Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cần triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 5 (khoá XII) "về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước cũng như phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của chính quyền cũng như cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,  xây dựng Thủ đô, đất nước.

Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 8 chương trình công tác trọng tâm, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá của Thành ủy, gắn với thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động 32-CTr/TU và Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động; có các biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng thiết bị, công nghệ đầu tư vào các khu công nghiệp và chế xuất của thành phố, các cụm công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng hiện đại cho các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề để có nhiều loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động của thành phố, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới.

Các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn các cấp cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công nhân, người lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ của các doanh nghiệp đối với người lao động, nhất là chế độ BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, thỏa ước lao động tập thể, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp và có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động; tiếp tục thực hiện và tăng cường hơn nữa các dự án về nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện để công nhân được thuê ở, xây dựng nhiều hơn các thiết chế văn hóa, các phúc lợi công cộng ở nơi tập trung đông công nhân lao động, qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động gắn với thực hiện các Nghị quyết 18, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW khoá XII; đặc biệt cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cấp ủy và chính quyền các cấp, đặc biệt là Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên./.

Nguồn:  hanoimoi.com.vn, ngày 6/4/20108

 


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất