Chủ Nhật, 17/11/2024
Quảng Ninh: Bí thư Tỉnh ủy làm việc với một số hội có tính chất đặc thù

Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong 10 năm qua, toàn tỉnh có 1.320 hội, trong đó có 58 hội cấp tỉnh, 192 hội cấp huyện và 1.070 hội cấp xã. UBND tỉnh quyết định công nhận 13 hội cấp tỉnh là hội có tính chất đặc thù (Chữ thập đỏ, Văn học - nghệ thuật, Liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Liên hiệp các Hội KHKT, Luật gia, Nhà báo, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Đông y, Người mù, Khuyến học, Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Cựu thanh niên xung phong, Người cao tuổi).

Đối với 13 hội có tính chất đặc thù, trong năm 2018, tỉnh đã giao 79 định biên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, với kinh phí hoạt động là 18,581 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí hoạt động, bố trí trụ sở, phương tiện đi lại, làm việc, khen thưởng thi đua…

Trong những năm qua, các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo quy định, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hội. Trên cơ sở điều lệ hội và các lĩnh vực hoạt động chính, các hội có tính chất đặc thù đã có những hình thức hoạt động phù hợp quy định của pháp luật và tôn chỉ mục đích. Đồng thời đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.


 Đại diện Hội Người cao tuổi phát biểu ý kiến

Các hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mang tính xã hội cao như: Tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân;  làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật; cho cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Nhà nước; huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cũng tại buổi làm việc, các hội có tính chất đặc thù đề xuất, kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về biên chế, phương tiện công tác, kinh phí hoạt động...  để hoạt động của các hội đạt hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc đã ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của các hội có tính chất đặc thù thời gian qua đã góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn trong hoạt động của các hội.

Nhấn mạnh đến vị thế, vai trò của các hội có tính chất đặc thù trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác an sinh xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các hội tiếp tục đổi mới phương thức, hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính  sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên; nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên. Bên cạnh đó, các hội đặc thù tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hội, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong tình hình hiện nay.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp với các hội có tính chất đặc thù để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động của hội.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của các hội đặc thù, đồng chí Nguyễn Văn Đọc nhất trí giao các sở, ngành chức năng phối hợp giải quyết.

Nguyễn Hoa

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất