Hàng trăm mô hình kinh tế do đoàn viên thanh niên (ÐVTN) làm chủ đem lại hiệu quả và không ít trong số đó trở thành “điểm đến” của những người trẻ tuổi say mê học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng làm giàu chính đáng. Thành công của những mô hình đó luôn có sự đồng hành, trợ lực tích cực từ phía các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh Điện Biên…
|
Tuổi trẻ huyện Ðiện Biên tham gia làm đường giao thông nông thôn |
Ðời sống của ÐVTN có vững thì phong trào, tổ chức đoàn mới mạnh. Vì thế, song song với việc xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp luôn được các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh Điện Biên chú trọng và được xem là “chìa khóa” quan trọng, hữu hiệu để thu hút ÐVTN tham gia các hoạt động, phong trào đoàn. Thời gian qua, các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm thông qua các phương tiện truyền thông; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ đoàn về học nghề, lập nghiệp... Riêng trong năm 2017 đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho hơn 400 ÐVTN là học sinh THCS, THPT. Tổ chức Ðoàn đã giới thiệu cho 381 ÐVTN đến các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm việc và 82 lao động đã có việc làm từ hoạt động thiết thực này. Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh triển khai phiếu khảo sát nhu cầu tìm việc làm của sinh viên các trường cao đẳng và thanh niên các huyện, thị, thành Ðoàn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Ngày hội việc làm tỉnh Ðiện Biên lần thứ 2, thu hút khoảng 2.000 ÐVTN tham gia tìm hiểu thông tin tuyển dụng, tìm kiếm việc làm. Huyện đoàn Mường Chà phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động, việc làm trong nước cho hơn 300 ÐVTN. Tổ chức Ðoàn cũng đã có nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo hỗ trợ, động viên thanh niên khởi nghiệp; kết nối, mở rộng quy mô hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên thông qua các cuộc hội đàm với doanh nghiệp, chính quyền địa phương với thanh niên...
Nắm bắt nhu cầu về vốn trong ÐVTN phát triển kinh tế, tổ chức Ðoàn, nhất là ở cơ sở đã tích cực khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc triển khai đến ÐVTN sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm (Vốn 120) của Trung ương Ðoàn giao cho Tỉnh đoàn quản lý; thông qua chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hoạt động hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất hộ gia đình, kinh doanh do ÐVTN làm chủ được chú trọng; tập trung vào các mô hình đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng trọt, dịch vụ, sản xuất nhỏ… Nhiều hoạt động nâng cao chất lượng vốn vay, hướng dẫn ÐVTN sử dụng nguồn vốn có hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của ÐVTN và gia đình. Ðến nay đã có 19.278 gia đình ÐVTN được vay vốn, với tổng dư nợ do đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh quản lý gần 591,3 tỷ đồng. Song song với các hoạt động khơi nguồn hỗ trợ vốn giúp ÐVTN phát triển kinh tế, Tỉnh đoàn tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, giúp ÐVTN có kiến thức để áp dụng trên đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; cải thiện đời sống. Nhờ sự đồng hành của tổ chức Ðoàn và nỗ lực của bản thân, hàng trăm mô hình kinh tế do ÐVTN làm chủ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Ðiển hình như mô hình kinh tế trang trại VACR của anh Giàng A Khai (sinh năm 1988, bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà). Mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương. Anh Khai tâm sự, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội qua “kênh” của Ðoàn Thanh niên, tôi cùng gia đình tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi; chăm chỉ khai hoang. Ðất không phụ công người, từ sức người cải tạo khai hoang phục hóa, đến nay gia đình tôi đã có hơn 6.000m2 sản xuất lúa 2 vụ; 1.000m2 ao thả cá; nhận khoanh nuôi hơn 20ha rừng và nuôi hàng trăm con trâu. Anh Khai khẳng định, có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay ngoài sự chăm chỉ, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của bản thân còn là nhờ sự trợ lực, tiếp sức của tổ chức Ðoàn Thanh niên. Nhận thức rõ điều đó, không chỉ mở rộng mô hình kinh tế của gia đình, anh tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho ÐVTN trong xã để cùng nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mô hình VACR của anh Giàng A Khai chỉ là một trong hàng trăm điển hình làm kinh tế của ÐVTN toàn tỉnh. Và đây là minh chứng thiết thực cho hiệu quả từ phong trào xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm của tổ chức Ðoàn. Qua đó phát huy được vai trò “cầu nối” hỗ trợ ÐVTN phát triển kinh tế, góp sức trẻ xây dựng quê hương Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp./.
Nguồn: http://baodienbienphu.info.vn, ngày 22/3/2018