Thứ Sáu, 19/4/2024
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lý, BĐBP Thái Bình thường xuyên tuyên truyền,
vận động và giúp đỡ chị em phụ nữ thực hiện tốt các phong trào do các cấp Hội Phụ nữ phát động

Hoạt động này là sự cụ thể hóa Chương trình phối hợp số 2728/CTr-HLHPN-BTLBP ngày 8-8-2017 giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam với Bộ Tư lệnh BĐBP về “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2022 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Thực tế, trước khi phát động chương trình này, lực lượng BĐBP đã luôn đồng hành cùng phụ nữ biên giới với những việc làm hết sức thiết thực và nhân văn. Nổi bật là việc xây dựng các mô hình giúp phụ nữ vùng biên giới phát triển kinh tế. Chỉ riêng giai đoạn 2012-2017, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các cấp hội địa phương xây dựng gần 9.000 tổ, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân ở địa bàn biên giới và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quyên góp gần 6 tỉ đồng xây dựng quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo”; giúp hơn 1.200 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Một trong số những phụ nữ được BĐBP giúp đỡ là chị Lù Thị Mẩy, dân tộc Thái, ở xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang. Chị Mẩy lấy chồng hai lần nhưng đều không được hưởng hạnh phúc. Niềm an ủi duy nhất của chị là cậu con trai Lù Seo Trọng. Những năm qua, chị phải làm lụng vất vả sớm tối để nuôi con nhưng lúc nào cũng thiếu thốn đủ bề. Biết được khó khăn của chị, Đồn Biên phòng Bạch Đích hỗ trợ chị một con bò giống trong Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” để làm vốn.

Không chỉ vậy, đồn còn nhận đỡ đầu con trai của chị từ tháng 11-2014. Mỗi tháng, CBCS trong đơn vị trích lương gửi cho mẹ con chị 500.000 đồng. Chị Mẩy tâm sự: “Từ khi được BĐBP giúp đỡ, kinh tế gia đình tôi đã vững lên. Tôi rất yên tâm khi các chú Biên phòng nhận đỡ đầu con tôi. Tôi sẽ cố gắng để cháu được học tập đầy đủ, sau này có điều kiện giúp đỡ gia đình và xã hội, không phụ công các chú Biên phòng”.

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lịch sử đường biên giới quốc gia... Với mục tiêu nâng cao dân trí cho phụ nữ khu vực biên giới, BĐBP đã tổ chức các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho chị em.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phàn Thị Hằng, người Dao, ở xã Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai, một học viên được BĐBP xóa mù chữ thành công ở tuổi 45 chia sẻ: “Nhiều năm qua, do không biết chữ, nên cuộc sống của tôi gặp nhiều điều bất tiện. Có lúc, con gái tôi đưa giấy của nhà trường về tôi không biết ký như thế nào. Khi tới bệnh viện khám bệnh, bác sĩ chỉ sang phòng nọ, phòng kia, tôi cũng không biết tìm như thế nào vì không biết đọc. Tôi thấy xấu hổ với cả con gái mình. Được thầy giáo Biên phòng chỉ dạy tận tình, bây giờ, tôi đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính nhân chia, cộng trừ. Có cái chữ trong người, đi ra ngoài, tôi cũng không còn lo lắng, sợ sệt như trước đây nữa”.

Chị Hằng chỉ là một trong số hơn 1.300 phụ nữ các dân tộc thiểu số được các CBCS BĐBP xóa mù chữ trong 6 năm qua. Ngoài công tác xóa mù chữ, BĐBP còn phối hợp với y tế địa phương thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Hai ngành đã khảo sát phân loại sức khỏe cho hơn 30.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí cho trên 1 triệu người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Bên cạnh đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị BĐBP đã khởi tố điều tra hàng trăm vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng nước láng giềng giải cứu 72 phụ nữ bị mua bán qua biên giới; tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho 232 nạn nhân do cơ quan chức năng các nước láng giềng trao trả.

Được biết, các hoạt động chính trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 sẽ được triển khai bao gồm: Hỗ trợ phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, hải đảo, góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới như: Mua bán, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em mù chữ, trẻ em bỏ học; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, ma túy, tội phạm; xuất, nhập cảnh qua biên giới trái pháp luật... Vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tập trung nâng cao năng lực trình độ cán bộ, cung cấp tài liệu sinh hoạt, trang bị tủ sách pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội, nâng cao hiệu quả các mô hình thu hút hội viên, triển khai các hoạt động Hội đến phụ nữ trên địa bàn... Chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, cách thức sử dụng, quản lý các nguồn vốn ủy thác và các nguồn vốn khác cho hội viên phụ nữ; hướng dẫn cách thức, phương pháp giám sát chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hôi viên phụ nữ sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm hai chiều. Vận động các nguồn lực hỗ trợ (tiền, con giống, trang thiết bị làm việc)..., trong đó quan tâm phối hợp vận động để tổ chức các hoạt động xã hội; các công trình, mô hình giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn; gia đình chính sách và xây dựng nông thôn mới./.

Nguồn: bienphong.com.vn, ngày 7/3/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất