Thứ Sáu, 20/12/2024
Tết ấm áp của nông dân nghèo
 

Chị Nguyễn Thị Hạ được hỗ trợ trong sản xuất đã vươn lên khấm khá


Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tặng nhà tình thương, công cụ sản xuất, trao  học bổng cho con em nông dân, góp phần tạo điều kiện cho nông dân thoát nghèo bền vững.

Vươn lên thoát nghèo

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, 1.666 nông dân nghèo, cận nghèo đã nhận phần quà tết từ Chương trình để chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất 2018. Chị Nguyễn Thị Xuân Nga (huyện Hóc Môn) phấn khởi: “Năm nay, phần quà tết có 400.000 đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa (trị giá 600.000 đồng), sản phẩm cũng khá đầy đủ nên tôi không phải mua sắm gì thêm”. Không những thế, từ sự chăm lo của Chương trình, nhiều nông dân trở nên khấm khá, rồi trở thành mạnh thường quân đóng góp trở lại cho Chương trình. Bà Ngô Thị Thanh Thúy (xã Đông Thạnh, huyện Củ Chi) kể: “Năm 2011, gia đình tôi nuôi 5 miệng ăn từ tiền công của chồng làm phụ hồ và tôi làm nông. Thời điểm đó, 3 đứa con đi học là gánh nặng đối với mức thu nhập của hai vợ chồng. Được Chương trình chọn hỗ trợ, gia đình tôi được xây tặng căn nhà tình thương. Thấy chúng tôi có nhà nhưng không có nghề, Hội Nông dân xã đã cho vay 30 triệu đồng để mua 2 bò sữa và 1 con heo. Tiếp đó, con tôi được Chương trình tặng suất học bổng Lương Định Của. Hội Nông dân xã tiếp tục giới thiệu cho vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn học sinh - sinh viên để đóng học phí và sửa lại chuồng trại. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi được cải thiện, đến năm 2015 đã thoát nghèo bền vững. Hiện nay, con gái tôi ra trường, đi làm, nên thu nhập ngày càng khấm khá hơn”.

Nông dân Nguyễn Thị Hạ (huyện Hóc Môn) từ vùng quê miền Bắc cùng với chồng vào TPHCM lập nghiệp. Thời điểm 2003, chị Hạ làm thuê, chăm sóc vườn lan, còn chồng làm xây dựng. Thấy chị Hạ có nghề nhưng thiếu vốn, Hội Nông dân huyện tạo điều kiện hỗ trợ chị Hạ vay tín chấp (dưới 100 triệu đồng) của Ngân hàng NN-PTNT để đầu tư vườn lan. Từ một vườn lan rộng 200m2 với số vốn nhỏ ban đầu, chị Hạ tích lũy dần cho đến nay vườn rộng 1.600m2, dù chị Hạ vẫn được hỗ trợ lãi vay từ Quyết định 04/2016 của UBND TPHCM.

Tương tự, ông Phạm Văn Quân (huyện Củ Chi) được Chương trình xây tặng nhà tình thương vào năm 2011, sau đó tiếp tục được cho vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nuôi 1 con bò. Đến nay, đàn bò của gia đình ông sinh sản được 7 con, thu nhập ngày một ổn định và thoát nghèo. Hay như anh Nguyễn Văn Tâm (huyện Cần Giờ), sau khi được tặng nhà tình thương, gia đình anh không còn phải chịu cảnh “mùa mưa dột, mùa nắng nóng”, được tiếp thêm động lực “an cư lạc nghiệp” nên càng chí thú làm ăn.

Chung tay giúp đỡ

Theo Hội Nông dân TPHCM, ngoài các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, hội còn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân có điều kiện tham gia ủng hộ Chương trình nhằm phát huy “tình làng, nghĩa xóm”, đăng ký chăm lo hỗ trợ cho nông dân nghèo, cận nghèo. Nhờ vậy, Chương trình có nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung suốt 10 năm qua, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chung sức xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành TPHCM.

Xuyên suốt Chương trình, Hội Nông dân huyện Củ Chi chăm lo hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, đề xuất xây dựng và tặng 409 căn nhà tình thương (trong đó Hội Nông dân TPHCM góp 311 căn); vận động được 243 triệu đồng để cho vay hỗ trợ các nông dân nghèo; tạo điều kiện cho 388 phương án (tổng số vốn đầu tư 302 tỷ đồng) được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 04/2016 của UBND TPHCM là 172 tỷ đồng. Ông Nguyễn Sỹ Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn, cho biết, nông dân muốn thoát nghèo phải có phương tiện, công cụ sản xuất, do vậy hội chú trọng phối hợp Ngân hàng NN-PTNT, tạo mọi điều kiện giúp nông dân nghèo vay vốn tín chấp để phát triển sản xuất.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, đánh giá với kết quả đã giúp trực tiếp cho 45.260 lượt hộ hội viên nông dân nghèo, hỗ trợ 16.627 hộ thoát nghèo, góp phần cùng TP đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo cũng như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình thực sự đã trở thành nét văn hóa của người dân TPHCM. “Nhằm giảm nghèo bền vững, Chương trình cần phải tiếp tục huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội, nghiên cứu những nội dung việc làm cụ thể, thiết thực hơn nữa, để có biện pháp hỗ trợ cho nông dân nghèo trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Những hội nông dân địa phương, cá nhân cần quan tâm đặc biệt những trường hợp có ý chí, nghị lực để hỗ trợ tích cực, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị.

Nguồn: sggp.org.vn, ngày 26/2/2018


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất