Thứ Bảy, 20/4/2024
Khi Mặt trận làm cầu nối kết nghĩa khu dân cư

 Bà con lương giáo (thôn Nội Hải và Thanh Bình 3) trong ngày kết nghĩa

Gắn kết miền ngược với miền xuôi

Để từng bước xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, triển khai các mô hình dân vận khéo ở vùng đồng bào công giáo và để đổi mới nội dung, phương thực hoạt động của Mặt trận cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch đã xây dựng chương trình kết nghĩa ở các khu dân cư để trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau thực hiện các phong trào thi đua.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch cho biết: Lúc đầu khi triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa KDC, Mặt trận huyện Bố Trạch cũng gặp rất nhiều khó khăn như chưa xây dựng được kế hoạch, nội dung giao ước kết nghĩa giữa các khu dân cư (KDC) là làm những việc gì; các địa phương, ban công tác Mặt trận cơ sở chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kết nghĩa…

Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Ban Thường trực MTTQ huyện đã cử bà Hoàng Thị Minh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện về 4 xã là Hải Trạch, Nhân Trạch, Hưng Trạch và Phúc Trạch đặt vấn đề, giải thích nội dung, ý nghĩa của mô hình kết nghĩa. Tiếp đó, Mặt trận huyện đã gửi Kế hoạch xây dựng mô hình kết nghĩa KDC tới Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ của 4 địa phương để chọn KDC làm mô hình điểm.

4 địa phương được chọn để tổ chức kết nghĩa gồm: thôn Bắc Hồng (xã Nhân Trạch) thôn Nội Hải (xã Hải Trạch) là những KDC vùng biển, có điều kiện kinh tế phát triển, hoạt động của ban công tác Mặt trận hiệu quả với thôn 1 Phúc Khê (xã Phúc Trạch), thôn Thanh Bình 3 (xã Hưng Trạch) là 2 thôn công giáo, ở vùng gò đồi, điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Nói về những hoạt động chuẩn bị cho hoạt động kết nghĩa, ông Hoàng Văn Mến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Trạch nói: Để chuẩn bị cho công tác kết nghĩa, chúng tôi hướng dẫn ban Công tác Mặt trận KDC thôn Thanh Bình 3 trao đổi, điện thoại, gặp mặt với ban công tác Mặt trận thôn Nội Hải (xã Hải Trạch) để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của mỗi bên sao cho hiệu quả, thiết thực và hoạt động lâu dài.

Cùng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau

Dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Thanh Bình 3 (xã Hưng Trạch), ông Cao Viết Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn nói như khoe: “Ngày diễn ra lễ kết nghĩa khu dân cư ý nghĩa lắm chú à, tình cảm như người đi xa lâu ngày trở về quê hương. Giữa trưa nắng, với khoảng cách địa lý khá xa, bà con nhân dân, cán bộ làng biển Nội Hải, xã Hải Trạch đã đến với chúng tôi, vùng đất còn lắm khó khăn bằng tất cả tấm lòng sẻ chia, đồng cam cộng khổ”.

Tại buổi kết nghĩa này, người dân thôn Nội Hải đã tặng thôn Thanh Bình 3 bộ khánh tiết treo ở nhà văn hóa, bàn ghế và những suất quà trị giá trên 50 triệu đồng. Ông Hoàng Khánh Hòa, Bí thư chi bộ, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nội Hải chia sẻ: “Đây là tấm lòng của người dân Nội Hải trao tặng giúp thôn Thanh Bình 3 vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương khiến chúng tôi vô cùng xúc động”.

Gặp nhau trong ngày kết nghĩa, những người phụ nữ thôn Nội Hải đã không giấu được cảm xúc, khi nhớ về những ngày cách đây hơn 30, 40 năm, gồng gánh những triêng cá lên đổi lương thực với người dân Thanh Bình này. Ai về nhắn với bậu nguồn/ Mít non em gửi xuống, cá chuồn anh mang lên, đó là kỷ niệm, là tình cảm chân thành mà người dân hai địa phương dành cho nhau. Rồi họ cùng hát chung một bài ca đoàn kết giữa người miền xuôi và miền ngược; giữa đồng bào theo đạo và người lương.

Không chỉ có những hoạt động ý nghĩa diễn ra ở buổi lễ kết nghĩa, sau ngày hội này, ban Công tác Mặt trận của 2 thôn thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn như: Ngày Đại đoàn kết dân tộc, ban cán sự thôn Thanh Bình 3 xuống thăm, chúc mừng thôn Nội Hải. Ngược lại, ngày Noel và giáng sinh, thôn Nội Hải lên chúc mừng bà con giáo dân thôn Thanh Bình 3. Hay như mới đây, nhân dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh sự chăm lo hộ nghèo ở trong thôn, Nội Hải đã trích 30 phần quà mang lên trao tặng người nghèo ở thôn Thanh Bình 3 đón Tết.

Trong khi đó, sự kết nghĩa giữa khu dân cư Bắc Hồng (Nhân Trạch) và thôn 1 Phúc Khê (Phúc Trạch) cũng chứa chan ân tình. Trong ngày hội vui, họ chia sẻ những lời ca tiếng hát và những món quà ý nghĩa. Những thiết bị phục vụ ở nhà văn hóa thôn 1 Phúc Khê như quạt, đèn điện, bàn ghế, tủ sách pháp luật… được người dân thôn Bắc Hồng mang lên trao tặng như đong đầy ý nghĩa.

Kết nghĩa  - Đoàn kết giúp nhau vươn lên

Năm 2017, hoạt động kết nghĩa giữa 4 KDC ở Bố Trạch đã giúp cho hoạt động công tác Mặt trận ở cơ sở ngày càng phong phú, đa dạng, thực chất và hiệu quả. Mô hình này đã giúp đội ngũ làm công tác Mặt trận nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư. Mặt khác, tổ chức kết nghĩa đã vận động được các KDC có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất đối với các KDC còn khó khăn, qua đó động viên nhân dân khơi dậy ý chí tự lực tự cường, vươn lên xây dựng cuộc sống.

Ông Từ Như Luật, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Trạch cho biết: “Sau hôm tổ chức lễ kết nghĩa, ý thức của người dân thôn 1 Phúc Khê (xã Phúc Trạch) đã có nhiều thay đổi rõ nét. Người dân đã chung tay xây dựng đường bê tông, hàng rào nhà văn hóa, hiến đất làm đường… hưởng ứng tích cực cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Có thể nói, hoạt động giao lưu kết nghĩa ở Bố Trạch do Mặt trận huyện làm cầu nối đã để lại trong lòng cán bộ, nhân dân 4 khu dân cư tình cảm sâu sắc; khối đại đoàn kết ngày càng được tăng cường góp phần xây dựng KDC lành mạnh, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “giảm nghèo bền vững” ở địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch cho biết: Để hoạt động kết nghĩa khu dân cư có hiệu quả, chất lượng, trước hết cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải nắm vững những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác dân tộc, tôn giáo; phong tục tập quán, đời sống của người dân để triển khai công tác kết nghĩa mới mang lại hiệu quả thiết thực. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận phải gần dân, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để làm tốt công tác phát động quần chúng, xây dựng mối quan hệ gần gũi, chăm lo đời sống người dân bằng những việc làm thiết thực./.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 18/3/2018

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất