Chủ Nhật, 19/5/2024
Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở một xã vùng cao

 Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn xã Tà Long - huyện Đakrông

Xã Tà Long hiện có 654 hộ với 3.441 nhân khẩu, có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm 84%; Pa Kô 0,6%; Pa hy 12% và Kinh 3,5%. Trong số 9 thôn của xã thì có 2 thôn: Ba Ngày và Chai nằm cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, thường bị chia cắt trong mùa mưa lũ nên việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, điều kiện vệ sinh phòng bệnh còn nhiều hạn chế. Đây cũng là thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chị Trịnh Thị Hoa, Trưởng trạm Y tế xã Tà Long cho biết: “ Đối với địa bàn một xã vùng sâu, vùng xa như Tà Long thì vấn đề khó khăn nhất trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là thay đổi hành vi, tập tục của người dân khi tiếp cận với dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, việc tự giác, chủ động duy trì các hành vi tích cực trong vệ sinh phòng bệnh của nhân dân còn hạn chế, chưa bền vững. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến ở nhiều thôn, bản... Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện Đakrông và chính quyền địa phương xã Tà Long, những cán bộ y tế trên địa bàn đã từng bước khắc phục khó khăn để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm tải số bệnh nhân chuyển tuyến và tạo được niềm tin của nhân dân trong xã”.

Xác định xã hội hóa về y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trạm Y tế cùng với chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở đó,  BCĐ đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và nhân dân thực hiện tốt các chiến dịch về sức khỏe, các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình vệ sinh phòng bệnh... Nhờ vậy, các phong tục tập quán ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân dần được đẩy lùi. Các nguồn lực để xây dựng các công trình vệ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, công tác DS-KHHGĐ được toàn xã hội và nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng đã trích một phần kinh phí để kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các cơ sở y tế bị hư hỏng. Riêng trong năm 2015, UBND xã đã trích 44 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp một số hạng mục cơ sở vật chất tại trạm y tế. Song song với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực tại trạm Y tế xã từng bước được nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, trạm Y tế xã Tà Long có 9 cán bộ y tế, trong đó có 2 bác sĩ, 2 y sĩ... Ngoài ra, tại 9 thôn đều có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo chuyên môn và hoạt động tích cực; 12 cộng tác viên dân số thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn về thực hiện chính sách dân số và vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Là địa bàn vùng cao có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn nên rào cản ngôn ngữ luôn gây khó khăn cho mỗi cán bộ y tế khi tiếp xúc với người dân. Để công tác khám chữa bệnh được tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt, đa số cán bộ y tế của trạm y tế xã Tà Long đều học tiếng Bru Vân Kiều. Các trang thiết bị y tế, thuốc và phương tiện y tế khác được trang bị đầy đủ tại trạm để sẵn sàng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bằng sự hỗ trợ giúp đỡ của ngành Y tế, của địa phương và các dự án, hiện nay trạm y tế đã mua sắm được 158 trang thiết bị các loại, trong đó có máy đo huyết áp, máy xét nghiệm nước tiểu 12 thông số, kính hiển vi để xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét... Bên cạnh đó, trạm có 352 loại thuốc, chủ yếu là nguồn thuốc từ BHYT, các loại vật tư tiêu hao như bông, cồn, gạc, các loại hóa chất sát khuẩn vệ sinh cũng được trạm chủ động dự phòng đầy đủ để phục vụ công tác chuyên môn. Cùng với sự tận tình, thân thiện của đội ngũ cán bộ y tế nên chất lượng các dịch vụ y tế tại trạm được nâng lên rõ rệt. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng trạm đã cố gắng thực hiện được trên 70% dịch vụ kỹ thuật theo quy định tuyến xã, thu hút 2.368 lượt người bệnh đến khám, có trên 30% bệnh nhân được chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Ông Hồ Văn Ai, thôn Pa hy cho biết: “Ngày trước, mỗi lần mắc bệnh, tôi thường hơ lửa hoặc cúng bái cho khỏi bệnh nhưng kết quả bệnh thường nặng thêm. Từ khi được các cán bộ y tế tuyên truyền, vận động những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tôi và nhiều người khác trong bản đã thay đổi nhận thức rất nhiều, mỗi lần đau ốm đều đến trạm y tế thăm khám và xin thuốc, bệnh nhanh khỏi và rất yên tâm”.

Công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện, trạm y tế đã chủ động giám sát các dịch bệnh tại địa phương và triển khai các biện pháp phòng, chống dập dịch kịp thời, hiệu quả, không để dịch lan rộng, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đã triển khai đạt trên 90%. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay toàn xã có 100% hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, trên 71% số hộ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, các bà mẹ mang thai trong lúc sinh và sau khi sinh đều được cán bộ y tế, gia đình và cộng đồng chăm sóc chu đáo hơn. Nhờ vậy, tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai từ 3 lần trở lên chiếm 95%; tỷ lệ mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván đầy đủ chiếm trên 65%.  90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã được sinh con tại cơ sở y tế; 100% phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh; 93% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng. Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở xã Tà Long còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong các thôn bản còn cao. Trước tình hình đó, đội ngũ những người làm công tác y tế trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc, huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia, thực hiện lồng ghép phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa với công tác DS-KHHGĐ. Nhờ vậy tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đã có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 18,85%0 (năm 2014) xuống còn 10,5%0 (cuối năm 2015).

Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện khá tốt nên đời sống người dân trên địa bàn xã Tà Long được cải thiện rõ nét, bộ mặt thôn bản ngày càng khởi sắc. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ y tế đã không ngừng nâng cao y đức và trình độ nghiệp vụ, góp phần tích cực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. Ghi  nhận sự nỗ lực đó, trong năm 2015, trạm Y tế xã Tà Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

Huy Công

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất