Thứ Sáu, 24/1/2025
Thực hiện hiệu quả công tác y tế trường học

Theo dự thảo, để bảo đảm các điều kiện về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, trường học phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích phục vụ công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe học sinh; phòng y tế được bố trí ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu, có ít nhất 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân để theo dõi; có bàn, ghế, tủ dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường và thuốc thiết yếu phù hợp để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe học sinh trong thời gian học tập và sinh hoạt tại trường học; có sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe học sinh, hồ sơ sức khỏe học sinh, sổ theo dõi xuất nhập thuốc, vật tư y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, nhân viên làm công tác y tế trường học (bao gồm cả cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm) phải có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế trường học tối thiểu 2 tháng theo chương trình của Bộ Y tế; tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế do ngành giáo dục, ngành y tế và các ban ngành khác của địa phương tổ chức; định kỳ tham gia giao ban cùng Trạm Y tế xã để nắm bắt tình hình và phối hợp hoạt động chuyên môn.

Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh

Theo dự thảo, cần theo dõi tình trạng sức khỏe học sinh, kịp thời phát hiện học sinh có các dấu hiệu bất thường, yếu tố nguy cơ hoặc mắc bệnh để xử trí, chăm sóc hoặc chuyển tuyến theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh; sơ cứu, cấp cứu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần và cho trẻ em trên 24 tháng tuổi mỗi quý một lần; theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) cho học sinh tối thiểu 1 lần/năm để tư vấn về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với học sinh phổ thông; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn cho học sinh biết tự chăm sóc sức khỏe; trường hợp trong trường học có học sinh khuyết tật thì tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật hoà nhập.

Bên cạnh đó, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý bữa ăn học đường, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú; phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh cho học sinh; định kỳ kiểm tra để phát hiện giảm thị lực ở học sinh để tư vấn, xử trí, chăm sóc hoặc chuyển tuyến theo quy định; quản lý tình trạng sức khỏe của học sinh để áp dụng chế độ học tập và rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; thông báo định kỳ và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh…

Dự thảo cũng nêu rõ các quy định về việc tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe; bảo đảm các điều kiện về phòng học, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho học tập và sinh hoạt của học sinh; bảo đảm các điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trong trường học; bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm; bảo đảm môi trường thực thi chính sách và xây dựng các mối quan hệ xã hội trong trường học, liên kết cộng đồng…

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Phan Thành


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi