Thứ Sáu, 24/1/2025
Những điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
Khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình

Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được khuyến khích với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định nêu trên sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách. Theo đó, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Luật bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Luật cũng giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Đáng chú ý, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Các trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được quy định cụ thể mức hưởng BHYT và quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi cũng được bổ sung. Theo Luật mới này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.

Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT

Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, từ ngày 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh.

Mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Từ ngày 1/1/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Được sử dụng kết dư BHYT để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Luật quy định cụ thể việc phân bổ và sử dụng quỹ BHYT. Trong giai đoạn hiện nay, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tỉnh (có nơi đạt gần 100%, nhưng có tỉnh mới đạt 50 - 60% dân số tham gia BHYT, có tỉnh đầy đủ kỹ thuật y tế hiện đại nhưng có tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế) nên Luật cho phép các địa phương có kết dư quỹ BHYT được sử dụng 20% để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Từ ngày 1/1/2021, khi tỷ lệ tham gia BHYT của các địa phương đã ở mức cao, chất lượng dịch vụ y tế đã khá đồng đều, không còn sự khác biệt nhiều về kết dư hay bội chi quỹ BHYT giữa các tỉnh sẽ thực hiện quản lý quỹ BHYT theo hướng quản lý tập trung hoàn toàn, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng. Ngoài những điểm mới quan trọng như trên, để khắc phục những bất cập trong tổ chức thực hiện, Luật bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an tham gia BHYT, bổ sung quyền lợi đối với trẻ em dưới 6 tuổi...

Nguồn: Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi