Hiện nay, y tế cơ sở nước ta đã được hình thành và
phát triển thành một mạng lưới y tế rộng khắp, trong đó có 88% thôn,
ấp, bản, tổ dân phố đã có nhân viên y tế hoạt động; 100% số xã, phường,
thị trấn có cán bộ y tế với 49.627 giường; 78% trạm y tế xã có bác sĩ
làm việc…
Y tế cơ sở
là mạng lưới y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức
khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm
sóc, bảo vệ sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội,
thế nhưng y tế cơ sở vẫn còn không ít bất cập cần phai sớm được tháo gỡ
để nâng cao hơn nữa vai trò là “xương sống trong hệ thống y tế” cuả y
tế cơ sở. Đây là những thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị “Đánh
giá các giải pháp xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới” tổ chức ngày
16/9.
Người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn
Theo thống kê, y tế cơ sở nước ta đã được hình thành và phát triển
thành một mạng lưới y tế rộng khắp trong cả nước, trong đó có 88% thôn,
ấp, bản, tổ dân phố đã có nhân viên y tế hoạt động; 100% số xã, phường,
thị trấn (11.161) có cán bộ y tế với 49.627 giường; 78% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc...
Đánh giá về y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn
mạnh “Y tế cơ sở đã góp phần thiết thực làm giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ chết
của nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Nhiều nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu
và nâng cao sức khoẻ đã được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả thiết
thực như tiêm chủng mở rộng; phòng chống suy dinh dưỡng,
chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em; giám sát dịch bệnh… Nhờ đó, các chỉ
số sức khoẻ của người dân đã được cải thiện rõ rệt, phần lớn các chỉ
tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu
nhập bình quân đầu người” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Đáng chú ý, y
tế cơ sở còn là “cứu cánh” cho những người dân ở vùng nông thôn, miền
núi, vùng khó khăn với chi phí y tế hợp lý, các khoản chi gián tiếp thấp
(như chi phí đi lại, ăn ở, người nhà đi theo chăm sóc…), có thể phát
hiện và quản lý được bệnh tật sớm.
Đánh giá cao vai trò của y tế cơ sở, xong Bộ Y tế đã thừa nhận một thực tế bất cập đó là nhiều bệnh viện/trung tâm y tế
huyện phải chuyển người bệnh lên tuyến trên, chủ yếu do thiếu cán bộ có
trình độ. Các nghiên cứu cho thấy 70% bệnh nhân vượt tuyến ở T.Ư có thể
điều trị ngay ở tuyến dưới; 81,8% bênh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể
điều trị ở huyện, xã và 67,9% bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều
trị ở ngay tuyến xã. “Điển hình như bệnh viêm họng,
hoàn toàn có thể chữa được ở tuyến xã nhưng người dân vẫn cứ vượt lên
tuyến trên để chữa trị do họ thiếu tin tưởng vào dịch vụ y tế cơ sở” -
đại diện tổ chức JICA (Nhật Bản) nêu dẫn chứng.
Giải pháp nào để phát huy vai trò của y tế cơ sở?
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao vai trò của y tế cơ sở
trong thời gian tới, theo TS Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ
(Bộ Y tế), tới đây Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến
hành thống nhất mô hình Trung tâm y tế quận, huyện do Sở y tế quản lý,
thực hiện cả nhiệm vụ khám, chữa bệnh và y tế dự phòng
để sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ
tiến hành đổi mới hoạt động tại các trạm y tế như thí điểm và mở rộng mô
hình theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình ;
lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sỹ gia đình vào trạm y tế
tuyến xã để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, gắn kết giữa chăm
sóc sức khỏe tại nhà, cộng đồng với trạm y tế.
TS Phạm Văn Tác cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ tiến hành xây dựng danh mục
thuốc sử dụng tại trạm y tế sao cho phù hợp với trình độ, khả năng
chuyên môn và cố gắng cung cấp đầy đủ thuốc theo danh mục để trạm y tế
xã có thuốc phục vụ người bệnh.
Đổi mới cơ chế tài chính, đào tạo và chú trọng phát triển nguồn nhân
lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, nâng cao năng lực quản lý y tế cơ sở cũng
sẽ là những vấn đề được ngành y tế đặc biệt quan tâm trong thời gian tới
nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các giải pháp Bộ
Y tế đưa ra được đánh giá là sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều về kinh phí
cũng như nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Từ thực tiễn của công tác khám chữa bệnh tại địa phương, ông Nguyễn
Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu phân tích, với mô hình tích hợp
trên, thay vì phải xây một bệnh viện, một trung tâm y tế dự phòng
thì chỉ phải xây dựng một trung tâm y tế. Tình trạng thiếu trang thiết
bị y tế tại tuyến cơ sở cũng sẽ được khắc phục, người dân được hưởng lợi
Nguồn: suckhoedoisong.vn/ Thái Bình, ngày 17/9/2015