Thứ Sáu, 24/1/2025
Y tế Việt Nam đồng hành cùng đất nước

 

Những “kỳ tích” của tình yêu thương và sự trưởng thành không ngừng của y học kỹ thuật cao

Liên tiếp, dồn dập trong những ngày thu này, các thầy thuốc của ngành y tế Việt Nam đã gieo những niềm vui, niềm tự hào cho nghề y khi đem lại sự sống cho những thiên thần bé nhỏ tưởng như đã không còn cơ hội tiếp tục sự sống.

Đó là trường hợp của em bé Dương Minh Phát mới 11 ngày tuổi đã bị vết thương chưa từng có trong tiền lệ là bị dao dâm xuyên não. Tiếp nhận thông tin này, có lẽ không chỉ riêng tôi và nhiều người đều mong muốn và hy vọng một phép màu sẽ đến với cậu bé này và điều ấy đã xảy ra, khi sau gần 20 ngày điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh, bé đã được xuất viện vào những ngày cuối tháng 8/2015. Các bác sĩ điều trị của bé cho biết, sức khoẻ của bé đã bình thường như những trẻ bình thường khác và bé cũng đã tăng cân. Đây đúng là một kỳ tích, một sự thần kỳ mà các thầy thuốc của BV Nhi đồng 1 đã mang đến cho bé Phát cũng như gia đình bé. Tiếp đó, một trường hợp hy hữu khác là bé Trần Hà Phong (7 tuổi, ở NƠ 04 bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) đã bị ngã từ trên tầng 10 của tòa chung cư xuống đất. Số phận tưởng như đã không còn mỉm cười với chàng trai bé nhỏ này nữa, nhưng rồi những đôi bàn tay khéo léo, những cử chỉ ân cần và phương án mổ, điều trị chuẩn của các y, bác sĩ BV Việt Đức đã mang lại cánh cửa hồi sinh cho Phong. Những ngày này, sức khỏe của cu cậu đã tốt lên nhiều, những nỗi đau cơ thể của tai nạn đáng tiếc chiều ngày 12/8 xảy ra với Phong cũng đã vơi dần. Hay trường hợp của bé 16 tháng tuổi vô cùng hy hữu ở Bình Dương có tim ngoài lồng ngực chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng đã được các y, bác sĩ của BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Đây là trường hợp tim ở ngoài lồng ngực đầu tiên phát hiện và được phẫu thuật thành công tại Việt Nam. Ca bệnh đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành phẫu thuật tim mạch của y học Việt Nam. Trên thế giới chỉ mới phát hiện 150 trường hợp tương tự.

Có thể nói, những sự hồi sinh sự sống cho các trường hợp hy hữu trên là kết quả viên mãn của các thầy thuốc ở các chuyên ngành nhi khoa, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tim mạch... Đây là minh chứng rõ nhất của sự phát triển y học kỹ thuật cao, chuyên sâu không ngừng của ngành y tế Việt Nam. Nhìn vào thực tiễn phát triển của ngành y tế thời gian qua cho thấy, liên tiếp trong nhiều năm nay, bằng nhiều sáng tạo, bằng sự nỗ lực không ngừng, các thầy thuốc của chúng ta đã triển khai và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh (KCB) trên nhiều “mặt trận” khác nhau như ghép đa mô, tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi rôbốt, ghép tế bào gốc... Thậm chí nhiều kỹ thuật cao đã sánh ngang tầm các nước có điều kiện kinh tế và nền y học phát triển. Có lẽ vì thế mà Việt Nam đã thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nhiều thầy thuốc từ các nước trong khu vực và trên thế giới như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Thái Lan...

Đặt quyền lợi của người bệnh lên trước

Một trong những điểm sáng nổi bật nữa của ngành y tế được dư luận xã hội, người dân ghi nhận và đánh giá cao trong thời gian gần đây là thành tựu thực hiện giảm tải BV bước đầu của ngành y tế. Có được kết quả này không chỉ thể hiện sự quyết tâm chính trị của toàn ngành y tế với cam kết đã đưa ra, mà còn thể hiện sự thấu hiểu được mong muốn từ nhân dân không phải nằm ghép khi vào viện của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến qua những lần đi thực tế tại các BV chuyên khoa, BV tuyến đầu... Theo đó, các giải pháp đã thực hiện như luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giúp người dân không phải vất vả vượt tuyến; triển khai Đề án BV vệ tinh...; xây mới và đưa vào sử dụng một số công trình, hạng mục khang trang, hiện đại của một số BV tuyến Trung ương, BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh. Sự nỗ lực này thể hiện rõ nhất qua việc đến nay tỷ lệ giường bệnh thực kê tăng đáng kể so với năm 2012 - thời điểm trước khi triển khai Đề án Giảm tải BV. Hiện nay, về cơ bản, tình trạng nằm ghép đã thuyên giảm, số BV có tình trạng nằm ghép cũng giảm đáng kể. Thế nhưng, niềm vui đó như được nhân lên thêm khi nhờ Đề án BV vệ tinh mà tại nhiều BV tuyến dưới như BVĐK Phú Thọ, BVĐK Lào Cai, BVĐK Khánh Hòa... đã triển khai thành công các kỹ thuật cao của tuyến trên như ung thư, sản nhi, can thiệp tim mạch. Kết quả này không chỉ giúp người dân được KCB ngay tại tuyến dưới với khả năng chữa trị tương đương tuyến trên mà còn góp phần làm cho quyết tâm giảm tải của ngành y đang dần thành hiện thực...

Để thực sự nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm người bệnh hài lòng khi đi KCB, song song với quá trình thực hiện các giải pháp giảm tải BV, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ngành dọc tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi cho người dân. Nhờ cải tiến quy trình khám bệnh, đến nay thời gian chờ đợi khám lâm sàng đơn thuần cũng như có các chỉ định kèm theo của người bệnh đã giảm được 48,5 phút so với trước, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Cũng trong thời gian qua, ngành y tế đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện BHYT nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân nhờ việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, với quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, bổ sung đối tượng tham gia, quy định các chính sách BHYT nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Tính đến tháng 6/2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã là hơn 71%.

Để chất lượng sức khỏe nhân dân được bảo vệ một cách toàn diện, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển y tế cơ sở bởi đây là tuyến y tế gần dân nhất, tiếp cận dân nhanh nhất. Có lẽ vì thế mà cách đây không lâu, đoàn nhà báo Liên hợp quốc gồm nhiều phóng viên của các tờ báo lớn của Mỹ, Anh, Canada... sau khi đi thực tế tại một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Chà, Mường Ảng của tỉnh miền núi Điện Biên, “3 cùng” với người dân ở đây, được chứng kiến các thầy thuốc tuyến cơ sở của Việt Nam nỗ lực vượt khó để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân địa phương, đã khẳng định ngành y tế Việt Nam có nhiều nỗ lực và sáng tạo, đặc biệt là hệ thống cô đỡ thôn bản giúp giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai đồng bộ những “thành lũy” bảo vệ sức khỏe người dân qua việc kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm như dịch MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 xâm nhập Việt Nam; triển khai trên quy mô toàn quốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, ho gà, dịch hạch... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm.

Hướng đến nền y tế nhân văn

Tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng luôn trăn trở trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong các diễn đàn chuyên môn cũng như với truyền thông là ngành y đã và đang ngày càng làm tốt hơn công tác chuyên môn nhưng cũng cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần thái độ phục vụ người bệnh để người bệnh ngày càng hài lòng hơn về ngành. Từ trăn trở đến quyết tâm hành động. Quyết định 2151/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã được Bộ trưởng ký ban hành và hiện đã triển khai tại không chỉ các BV trực thuộc Bộ mà còn xuống đến địa phương, đến từng cơ sở. Bước đầu, theo khảo sát của chúng tôi, người dân đã bày tỏ sự chia sẻ, đồng hành và cảm thông hơn với những vất vả, với áp lực của thầy thuốc bởi họ đã nhận được nhiều hơn nụ cười và sự nhã nhặn của thầy thuốc mỗi lần đi KCB.

Trên thực tế, sự đóng góp của ngành y đối với xã hội là rất lớn nhưng âm thầm nên ít người nhận thấy. Nhìn lại số liệu thống kê, chúng ta sẽ thấy tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam vài thập kỷ trước chỉ trên 60 tuổi, nhưng nay đã là trên 73 tuổi; tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm ngoạn mục trong những năm gần đây. Nếu không có sự phát triển của ngành y tế với những đội ngũ cán bộ có trình độ cao có khả năng ứng dụng tiến bộ y học trong chẩn đoán và điều trị, nếu không có hàng chục ngàn cán bộ y tế ngày đêm cần mẫn làm việc trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh... và trên hết cả, nếu họ không có lòng đam mê nghề nghiệp, yêu thương con người với phương châm “trị bệnh cứu người chính là lẽ sống của thầy thuốc” thì mọi chuyện sẽ ra sao? Chắc chúng ta có thể hình dung được...

Đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập và phát triển 70 mùa thu lịch sử, ngành y tế đã chủ động không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế có quan hệ hợp tác với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 20 tổ chức quốc tế và hơn 200 tổ chức phi Chính phủ, các ngân hàng quốc tế, các quỹ tài chính toàn cầu, các trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Trên chặng đường dài, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những công việc ấy không phải lúc nào cũng được diễn tả bằng lời để cộng đồng có thể hiểu và chia sẻ, cảm thông. Có những khó khăn đã được tháo gỡ, có những thách thức còn hiển hiện trước mắt, nhưng tựu trung, sâu thẳm trong mỗi cán bộ ngành y đều đau đáu hướng về nhân dân, niềm khao khát cháy bỏng được cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi