Bám sát hướng dẫn của Thông tư
16/2014/TT-BYT của Bộ Y tế và sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay,
hoạt động của Trung tâm Bác sĩ gia đình 50C Hàng Bài đã có nhiều chuyển
biến tích cực, thay đổi được quan niệm bác sĩ gia đình chỉ là khám chữa
bệnh tại nhà đơn thuần.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn kiểm tra Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội
|
Hiện trung tâm có các chuyên khoa: nội, ngoại, sản, nhi, răng hàm
mặt, tai mũi họng, y học cổ truyền, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu
hóa. Dự kiến thời gian tới phòng khám sẽ mở thêm phòng tiêm chủng các
loại vắc-xin để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Là một trong những đơn vị
đi đầu về mô hình Bác sĩ gia đình, trung tâm thường xuyên quán triệt
toàn thể cán bộ công nhân viên thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng
xử trong cán bộ ngành y, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp
ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2015,
Trung tâm Bác sĩ gia đình đã khám chữa bệnh cho hơn 30.000 lượt bệnh
nhân, khám tại nhà cho 623 trường hợp, quản lý 7.200 thẻ bảo hiểm y tế,
tham gia phối hợp trong công tác tiêm chủng mở rộng, hướng dẫn phục hồi
chức năng cho người tàn tật, qua đó góp phần phòng bệnh và chăm sóc sức
khỏe ban đầu cho người dân...
BS. Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội cho
biết, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, trung tâm thường xuyên duy trì
công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn tại đơn
vị. Ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện chặt chẽ các
quy định về khám chữa bệnh như cấp thuốc, cấp giấy nghỉ ốm cho người
bệnh, chuyển tuyến... Bên cạnh đó, cán bộ y tế của trung tâm đã kết hợp
khám chữa bệnh, tư vấn và quản lý hồ sơ sức khỏe cho cá nhân, hộ gia
đình, duy trì trực tư vấn, cấp cứu, khám chữa bệnh tại nhà qua điện
thoại. Đồng thời phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bệnh viện Nội
tiết Trung ương tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng, lập hồ sơ quản lý
sức khỏe cho các trường hợp mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết
áp. Mặc dù có nhiều hoạt động và chuyển biến tích cực, song do đây là
một mô hình mới nên trung tâm còn gặp nhiều khó khăn về công tác chuyên
môn, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh còn lạc hậu.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao
trình độ về y học gia đình cho cán bộ y tế, từng bước nâng cao chất
lượng bác sĩ gia đình cũng như tích cực ứng dụng công nghệ thông tin
trong quản lý khám chữa bệnh, dữ liệu bệnh nhân. Đồng thời, tuyên truyền
về lợi ích của mô hình Bác sĩ gia đình và những dịch vụ y tế do trung
tâm cung cấp tới cộng đồng...
Bác sĩ gia đình đã phát triển mạnh mẽ ở các nước tiên tiến cách đây
cả nửa thế kỷ, trở thành nòng cốt cho việc phòng và điều trị bệnh. Bác
sĩ gia đình là người vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều
trị. Trong hệ thống y tế, họ là người gần nhất với dân, giúp dân phòng
tránh bệnh tật; quản lý sức khỏe cộng đồng; giải quyết ban đầu tình
trạng bệnh; điều phối các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn; là cầu
nối giữa người bệnh và bệnh viện khi cần điều trị nội trú. Ý thức được
vấn đề trên, nhiều năm qua, Bộ Y tế đã chú trọng phát triển mô hình này.
Trong đợt làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Bác sĩ
gia đình về việc triển khai mô hình Bác sĩ gia đình trên địa bàn, Thứ
trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh,
thành phố triển khai và làm tốt mô hình Bác sĩ gia đình, kết quả vượt 4
lần kế hoạch đề ra, góp phần giải quyết 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe
nhân dân ở tuyến cơ sở. “Mô hình này cần được triển khai hiệu quả và
nhân rộng hơn nữa trên địa bàn thành phố”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Nguồn: suckhoedoisong.vn/ Đức Vân, ngày 30/8/2015