Trong tiến trình thực hiện kế hoạch “Đổi mới
phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”,
thời gian qua, đường dây nóng của Bộ Y tế đã từng bước phát huy hiệu quả. Qua
triển khai hệ thống quản lý đường dây nóng ở 3 cấp trên toàn quốc, việc xử phạt,
khen thưởng kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Nhiều lời khen từ đường dây nóng
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, 6
tháng đầu năm 2015, đã có 8.441 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế qua số tổng
đài 1900-9095. Trong đó, chỉ có 3.159 cuộc gọi phản ảnh đúng phạm vi tiếp nhận
(chiếm 37,4%), 5.282 cuộc gọi không đúng phạm vi giải đáp (chiếm 62,6%). Bộ Y
tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương và sở y tế các tỉnh, thành phố xử
lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc như: Nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092
trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp, tiếp thu và
tiến hành cải thiện cơ sở vật chất 188 trường hợp, cải tiến quy trình khám,
chữa bệnh 330 trường hợp, khen thưởng 79 trường hợp... Nhờ có kênh giám sát
này, lãnh đạo các đơn vị đã khẩn trương tổ chức rà soát lại quy trình khám,
chữa bệnh, tiếp đón bệnh nhân; thực hiện chấn chỉnh chung đối với toàn thể nhân
viên y tế bệnh viện về trách nhiệm chuyên môn, về phương pháp giao tiếp, ứng xử
đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, cải tiến quy trình làm việc. Cũng nhờ
đường dây nóng, Bộ Y tế đã kịp thời nắm được thực trạng các cơ sở y tế, những
tồn tại, khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế và người dân, trên cơ sở đó đề ra
giải pháp cụ thể nhằm cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, quy trình khám, chữa
bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của cán bộ, nhân viên y tế, từng bước
lấy lại niềm tin của người dân.
Không chỉ "góp ý", nhiều người dân đã gọi điện đến
đường dây nóng để cảm ơn sự tận tâm, khen ngợi tinh thần phục vụ, qua đó nhiều
cá nhân, tập thể đã được khen thưởng kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tự tin
cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ.
Còn nhiều cuộc gọi phản ảnh sai sự thật
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, mặc dù việc triển khai đường
dây nóng đã thu được những kết quả tích cực, nhưng thực tế triển khai còn nhiều
khó khăn, hạn chế. Số lượng các cuộc gọi của người dân không đúng phạm vi tiếp
nhận và xử lý của đường dây nóng chiếm tới 2/3 các cuộc gọi đến. Điều này gây
khó khăn và lãng phí thời gian của các đơn vị trong việc tiếp nhận và xử lý
thông tin. Nhiều ý kiến phản ảnh có nội dung không đúng sự thật, gây mất thời
gian cho các cán bộ thanh tra để xác minh sự việc. Chẳng hạn như ngày
16-1-2015, đường dây nóng nhận được cuộc gọi phản ảnh về thái độ của nhân viên
y tế xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Theo đó, khi người dân đưa con
tới trạm y tế xã tiêm, thái độ của nhân viên rất thờ ơ, không hỏi han, quan
tâm, thậm chí có nhân viên còn tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân… Ngay sau khi nhận
được thông tin trên, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng kiểm tra sự việc. Sau
khi rà soát lại các quy trình tiêm, khám, chữa bệnh cho thấy, thái độ của các
nhân viên y tế ở đây tương đối tốt, đặc biệt không có trường hợp nào bị tiêm
nhầm thuốc. Sở Y tế Hải Phòng cũng liên hệ lại với số điện thoại gọi đến đường
dây nóng, tuy nhiên họ bất hợp tác và sau đó là tắt máy.
Còn tại Cần Thơ, vào ngày 15-1-2015, có một cuộc gọi đến
phản ảnh: Sản phụ Hạnh, trong quá trình chờ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ,
phải bồi dưỡng tiền thì mới được bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc cẩn thận. Gia
đình rất bức xúc và đề nghị đường dây nóng kiểm tra sự việc. Tuy nhiên, khi Sở
Y tế TP Cần Thơ liên hệ với gia đình chị Hạnh thì họ khẳng định không hề phản
ảnh nội dung trên.
Cũng với hiện tượng phản ảnh sai sự thật, ngày 17-1-2015,
Bệnh viện Đa khoa Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), nhận được cuộc gọi phản ảnh: Sản
phụ Đinh Thị Hoài, sau khi sinh đã bị một bác sĩ đòi bồi dưỡng 600.000 đồng cho
kíp hộ sinh. Sau khi kiểm tra, rà soát danh sách các sản phụ đến sinh tại bệnh
viện trong thời điểm ấy thì không có sản phụ nào có tên như trên. Truy tìm chủ
nhân số điện thoại gọi đến đường dây nóng thì được biết người này là thợ xây,
đang làm việc tại Hà Nội. Thực ra anh ta có đến bệnh viện thăm người nhà, khi
ngồi ở hành lang đã "nghe nói" như vậy nên đã gọi điện đến đường dây
nóng...
Việc người dân phản ảnh những thông tin đến đường dây nóng
là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi người trước khi phản ảnh cũng phải nắm được phạm
vi tiếp nhận, giảm các cuộc gọi không đáng có, đưa đường dây nóng trở thành
kênh hữu hiệu để người dân đóng góp ý kiến, xây dựng ngành y tế ngày càng hoàn
thiện, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Nguồn: qdnd.vn/ Thu Hường, ngày 16/8/2015