Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (CSSKBMTE) luôn được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cần khắc phục sự khác biệt giữa các vùng miền để giảm chênh lệch các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nhất là tại các vùng khó khăn để hướng tới Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tử vong mẹ (TVM) và tử vong trẻ em (TVTE).
Các tỉnh trung du, miền núi phía bắc (TDMNPB) có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và là khu vực trọng điểm của ngành y tế.
Tuy nhiên, hiện nay đây cũng là vùng khó khăn nhất cả nước, hệ thống y tế kém phát triển. Thời gian qua, các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có công tác CSSKBMTE.
Ngành y tế thường xuyên cập nhật quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về cấp cứu, hồi sinh sản khoa và sơ sinh; mở các lớp đào tạo nhân lực tại chỗ, nhất là cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số; kết hợp tập huấn, thực hành nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu ở tuyến xã và cơ bản ở tuyến huyện; hỗ trợ các bệnh viện ở những huyện khó tiếp cận có thể mổ đẻ, thực hiện truyền máu, triển khai chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý.
Đến nay hệ thống y tế cơ sở của các tỉnh TDMNPB đã có nhiều bước phát triển mới, các chỉ số sức khỏe của người dân đã từng bước được cải thiện.
Qua đó góp phần đưa Việt Nam là một trong mười nước trên thế giới đang bảo đảm đúng lộ trình thực hiện thành công MDG số 4 (giảm hai phần ba tỷ suất TVTE dưới năm tuổi) và MDG số 5 (giảm ba phần tư tỷ số TVM) giai đoạn 1990 -2015. Tỷ suất TVTE dưới một tuổi đã giảm từ hơn 30 phần nghìn xuống 24,5 phần nghìn năm 2010 và còn 23,2 phần nghìn năm 2013. Tỷ suất TVM cũng giảm đáng kể.
Tại Điện Biên, tỉnh cực tây của Tổ quốc, hệ thống y tế các cấp đã được củng cố, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, hệ thống tổ chức mạng lưới, cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản được kiện toàn, nhờ đó các chỉ số sức khỏe được cải thiện.
Đáng chú ý, Điện Biên đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số cho những thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã có tám trong số mười huyện thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai, ba huyện thực hiện được kỹ thuật mổ lấy thai và truyền máu; thành lập được năm đơn nguyên sơ, cứu sống được nhiều trẻ em sinh non yếu. Tỷ suất tử vong sơ sinh (TVSS) giảm từ 14,2 phần nghìn (năm 2010) xuống 11,5 phần nghìn (năm 2014). Tại đây, phụ nữ có thai được khám thai ba lần trở lên, đạt 73%; tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin hằng năm đạt trên 90%...
Công tác CSSKBMTE ở khu vực TDMNPB tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Theo đó, địa hình các tỉnh trong khu vực chủ yếu là đồi núi, mạng lưới giao thông chưa phát triển, khoảng cách đến các cơ sở y tế còn quá xa; trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến, tình trạng kết hôn cận huyết thống còn tồn tại ở một số dân tộc; kinh phí đầu tư cho công tác CSSKBMTE còn hạn hẹp,... dẫn đến sự khác biệt vùng - miền về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng và tử vong ở bà mẹ, trẻ em chưa thu hẹp. Điều tra tại 14 tỉnh TDMNPB về khó khăn của Chương trình giảm TVM, TVSS cho thấy vẫn còn từ 5% đến 10% số trung tâm y tế (TTYT) không có bộ khám thai, dụng cụ đỡ đẻ, bộ khám phụ khoa, ống nghe tim phổi, ống nghe tim thai, huyết áp kế; 20% đến 30% số TTYT không có bộ cắt khâu tầng sinh môn; hơn 60% số TTYT không có dụng cụ hút nhớt, bơm hút sữa bằng tay,...
Đáng chú ý, tình trạng TVM, TVTE ở trẻ dưới năm tuổi đã giảm nhưng tốc độ giảm chậm lại, số ca TVM của cả nước là 67 trường hợp thì ở TDMNPB chiếm 56 trường hợp. Tỷ suất TVTE của vùng vẫn còn khá cao so với cả nước, một số tỉnh có tỷ suất TVTE cao như: Lai Châu 69,6 phần nghìn, Điện Biên 54,9 phần nghìn, Hà Giang 54,6 phần nghìn...
Nhằm nâng cao chất lượng CSSKBMTE tại các tỉnh TDMNPB và hướng tới đạt các MDG, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đến quy định chuyên môn.
Theo đó, ưu tiên tăng cường đào tạo nhân lực tại chỗ kết hợp thường xuyên tập huấn, thực hành nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật; tập trung các nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu ở tuyến xã và cơ bản ở tuyến huyện. Nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả cao như: đào tạo cô đỡ thôn, bản, thành lập đơn vị nguyên sinh bệnh viện huyện, thực hiện cách tiếp cận chăm sóc liên tục, thẩm định TVM...
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh đưa chỉ tiêu MDG vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có đầu tư hợp lý và kiểm tra giám sát định kỳ tình hình thực hiện. Rà soát, sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn nhân lực làm công tác CSSKBMTE; có chính sách thu hút cán bộ sản/nhi về công tác ở tuyến cơ sở, tăng cường bổ sung vi chất cho bà mẹ, trẻ em... Đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi để người dân từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế.
Theo: nhandan.com.vn/Phạm Thảo