Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Kế hoạch "90-90-90" sẽ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh (gồm: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 2015 đến năm 2017.
|
Nhân viên y tế tư vấn, điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm mới lao/HIV. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Việt Nam là một trong số các nước thực hiện chiến lược tiếp cận "90-90-90" vào năm 2020 theo sáng kiến của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc nhằm hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Kế hoạch "90-90-90" gồm 3 mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ để đạt được mục tiêu thứ nhất (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình), các tỉnh cần rà soát số người nhiễm HIV theo địa chỉ tại cộng đồng, tiếp cận và kết nối đưa vào điều trị.
Riêng với 4 tỉnh miền núi cần có đánh giá ban đầu, xác định huyện, xã, thôn, bản có các đối tượng nguy cơ; lập danh sách các huyện, xã, thôn, bản cần được rà soát. Y tế thôn, bản rà soát 100% hộ dân, xác định các hộ có đối tượng nguy cơ; tiếp cận đối và vận động người nguy cơ cao đi xét nghiệm; đồng thời thực hiện xét nghiệm HIV (cố định hoặc lưu động), tư vấn, chuyển tiếp điều trị đến cơ sở điều trị HIV đối với người có HIV (+).
Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp cận các nhóm nguy cơ thông qua nhóm đồng đẳng, tư vấn, vận động xét nghiệm; tổ chức xét nghiệm cố định hoặc lưu động.
Để đạt được mục tiêu thứ 2 và thứ 3 (90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được lượng vi rút ở mức thấp và ổn định), các tỉnh cần xác định địa bàn huyện, xã cần can thiệp; tập huấn cho mạng lưới y tế xã phường, thôn bản về mục tiêu, cách thức tiếp cận cho từng nhóm đối tượng đích, kỹ năng tư vấn và xét nghiệm HIV, kết nối và chuyển gửi thành công đến cơ sở điều trị. .
Các tỉnh cần cung cấp đủ sinh phẩm xét nghiệm HIV; mở rộng cơ sở thực hiện được xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện; thành lập các phòng khám điều trị HIV tại Khoa Khám bệnh bệnh viện huyện; đồng thời, tập huấn cho các nhân viên y tế tại phòng khám về điều trị HIV/AIDS đối với các cơ sở mở mới. Đặc biệt, các tỉnh thực hiện điều trị ARV không phụ thuộc CD4; tư vấn, quản lý và hỗ trợ tuân thủ điều trị theo quy định; thực hiện chi trả các dịch vụ điều trị HIV qua bảo hiểm y tế cho thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm cơ bản khác; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện trong việc theo dõi và quản lý bệnh nhân; thông tin cho bệnh nhân về lợi ích của điều trị ARV sớm cũng như yêu cầu, lợi ích của tuân thủ điều trị.
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết Cục sẽ xây dựng khung kế hoạch, trên cơ sở đó sẽ cùng các nhà tài trợ đi kiểm tra, hỗ trợ 5 tỉnh thực hiện thí điểm.
Về phía các tỉnh, cần có các hoạt động cụ thể và có kế hoạch chung để đạt mục tiêu "90-90-90" đồng thời thiết lập hệ thống theo dõi và giám sát để kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Sau khi có kết quả tốt từ 5 tỉnh, kế hoạch sẽ được nhân rộng ra các tỉnh khác. Bên cạnh đó, các tỉnh vẫn cần tiếp tục triển khai các hoạt động khác như truyền thông, can thiệp… để phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả./.
Nguồn: TTXVN, 18/8/2015