Thứ Năm, 19/12/2024
“Thay đổi thái độ phục vụ phải xuất phát từ lòng người”
PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E trao đổi với phóng viên

Hình thành “Phản xạ có điều kiện” trong mỗi nhân viên y tế

Phóng viên (PV): Việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh là một trong những chủ trương đúng của ngành y tế. Bệnh viện E đã triển khai thực hiện cam kết đó như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Lê Ngọc Thành: Ngay khi Bộ Y tế triển khai việc ký cam kết, chúng tôi đều rất ý thức và ủng hộ tuyệt đối kế hoạch này. Việc ra đời chủ trương này rất đúng lúc và kịp thời. Bệnh viện E đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai việc tập huấn cho cán bộ viên chức của bệnh viện với tiêu chí người bệnh là trung tâm.

Bản thân tôi với tư cách là một giám đốc bệnh viện, tôi luôn nhắc nhở anh em hàng ngày, nhất là những bác sĩ trẻ, việc này không thể nhất thời mà cần liên tục, hàng ngày. Đối tượng của ngành y là con người, nên việc triển khai thay đổi thái độ người bệnh vẫn cần đến từ hai phía, từ cả phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Có trường hợp bác sĩ mặc dù đã cứu người bệnh mà còn bị người nhà bệnh nhân hành hung. Tôi cho đó là không chấp nhận được. Do vậy rất cần có sự cộng hưởng, hợp tác từ hai phía, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân mới tốt được.

PV: Sau khi ký cam kết, bệnh viện sẽ triển khai việc kiểm tra, giám sát thế nào để việc đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh đi vào thực chất?

PGS.TS. Lê Ngọc Thành: Tôi nghĩ rằng đây không phải là phong trào ngày một ngày hai. Trong các buổi giao ban hàng ngày, nếu có bất cứ sự phản ánh nào, lãnh đạo bệnh viện chúng tôi đều có ý kiến chỉ đạo ngay với các bác sĩ, cán bộ y tế. Ban chỉ đạo đổi mới thái độ phục vụ của bệnh viện phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo khoa phòng. Thứ 3 hàng tuần chúng tôi có các buổi kiểm tra các khoa phòng, hội chẩn. Ngoài trao đổi chuyên môn chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên, cán bộ y tế thực hiện tốt cam kết này, tạo cho mỗi cán bộ y tế của mình một “phản xạ có điều kiện” trong thực hành tác phong, thái độ đúng của cán bộ y tế. Bản thân tôi, đã bao nhiêu năm trong nghề rồi, tôi cũng đã từng có những lúc chỉ cần nói to với bệnh nhân thôi, về mình cũng đã phải nghĩ lại để mình thay đổi.

Tôi có quan điểm rõ ràng rằng: dạy học trò, hay những cán bộ trẻ phải dạy làm người trước, dạy làm nghề sau. Chuyên môn còn non, yếu chỗ nào thì sẽ bổ sung, trau dồi chỗ đó. Nghề hôm nay không làm được thì mai sẽ làm được, nhưng nếu anh không có đủ đạo đức, tư cách cần có của một lương y thì là điều không thể chấp nhận được. Mỗi cán bộ y tế trước khi về bệnh viện đều phải đi học về quy tắc ứng xử trước khi học về chuyên môn. Chủ trương đề ra rất tốt, nhưng nếu không kiểm tra, đôn đốc hàng ngày sẽ không hiệu quả. Để tránh việc trở thành một phong trào, hô hào khẩu hiệu, nếu có bất cứ sự phản ánh nào liên quan đến chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chúng tôi phải uốn nắn ngay.

Để cam kết biến thành hành động vì người bệnh

PV: Trong khi tình trạng bệnh viện đang quá tải, thu nhập của cán bộ y tế không tăng, cường độ và áp lực công việc cao; là lãnh đạo bệnh viện ông làm thế nào để thuyết phục được nhân viên của mình thực thi được các cam kết đã ký, không chỉ dừng ở cam kết mà phải biến thành hành động vì người bệnh?

PGS.TS. Lê Ngọc Thành: Mặc dù thu nhập của ngành y thấp so với nhiều ngành nghề khác, nhưng mỗi cán bộ y tế đều nhận thức rằng khi đã lựa chọn ngành nghề này là họ đã lựa chọn sự vất vả. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo bệnh viện cũng phải tìm cách để tăng thu nhập cho anh em, chúng tôi cũng động viên anh em tiết kiệm chi phí trong sử dụng điện nước, vật tư trang thiết bị để tạo thêm nguồn thu cho bệnh viện, từ đó cải thiện đời sống nhân viên.

PV: Khi không tạo áp lực với nhân viên y tế, ông có cho rằng việc thực thi những cam kết sẽ nghiêm túc và hiệu quả không?

PGS.TS. Lê Ngọc Thành: Tôi cho rằng những cam kết đó cần đi vào lòng người, vì tất cả các chế tài đều rất khó. Làm sao để mỗi nhân viên y tế thấy đây là những việc làm đúng và nên làm. Qua nhiều năm làm nghề, tôi thường nói với nhân viên của mình, đừng bao giờ mưu cầu lợi ích gì trong nghề nghiệp của mình vì đây là một công việc đặc biệt – nghề y, nếu làm y như vậy là chết. Trong quãng đời làm nghề của mình tôi đã chứng kiến rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân viên y tế và người bệnh. Khi chăm sóc tốt cho bệnh nhân, người nhân viên y tế đã nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp. Bao giờ tôi cũng nói với nhân viên của mình rằng, cần cố gắng dành thời gian nhiều hơn cho người bệnh, hỏi người ta xem bệnh tật của người ta ra sao, hoàn cảnh của họ như thế nào biết đâu sau này ở một hoàn cảnh khác chính chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của họ. Tôi nghĩ rằng nếu giáo dục như vậy mọi nhân viên y tế đều không thấy áp lực nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: suckhoedoisong.vn/ Hải Yến, ngày 8/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất