Thứ Năm, 19/12/2024
Y tế tuyến huyện đã thay đổi chất và lượng
Phẫu thuật nội soi tại BVĐK Yên Minh, Hà Giang.

Xóa dần khoảng cách

Là bệnh viện (BV) hạng 3 của tỉnh miền núi Sơn La, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Mộc Châu đang từng bước khẳng định vị thế của một bệnh viện tuyến huyện đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ đồng bào miền núi.

Hiện nay, BVĐK huyện Mộc Châu đã thực hiện một số kỹ thuật cao tương đương với BV tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK Mộc Châu cho biết, nhờ sự hỗ trợ và quan tâm của các giáo sư đầu ngành tuyến trên, vừa qua BV đã thực hiện thành công kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cho một bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng hai bên. Ở Việt Nam kỹ thuật thay khớp háng đã được thực hiện từ mấy chục năm. Tuy đã có sự phát triển từ nhiều năm, nhưng thay khớp háng vẫn là kỹ thuật khó chưa thực hiện được ở các bệnh viện hạng 3 và một số bệnh viện hạng 2. Ngoài ra, các bác sĩ của BVĐK Mộc Châu cũng đã làm chủ và thực hiện thành thạo  “kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo”. Đây cũng là một trong những kỹ thuật ngoại khoa khó, rất ít BV hạng 3 làm được. Cũng theo BS. Kỳ, trong thời gian từ 2010-2015, BVĐK Mộc Châu đã triển khai được 40 kỹ thuật mới như kỹ thuật siêu âm mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật gãy xương phức tạp...

Không thỏa mãn với những việc đã làm được, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các BV tuyến trên, BVĐK Mộc Châu đang tiếp tục thực hiện các kỹ thuật phức tạp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chất lượng cao vừa tạo thuận lợi cho người bệnh không phải chuyển tuyến vừa giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Nhắc đến Mường Nhé là chúng ta nghĩ ngay đến một huyện nghèo, xa xôi cách trở nhất của tỉnh Điện Biên. Nhưng mảnh đất ấy đang thay da đổi thịt hàng ngày nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình dự án đầu tư. Đời sống của đồng bào các dân tộc ở nơi một con gà gáy ba nước nghe chung không ngừng được nâng lên, các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt được những thành tựu to lớn. Tại hầu hết các khoa phòng, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và điều trị khá đông. Tại Khoa Sản, chúng tôi được trò chuyện với người nhà bệnh nhân Vừ Thị Việt. Bệnh nhân Việt là cô giáo đang công tác trên địa bàn huyện Mường Nhé. Cô nhập viện trong tình trạng bị rau tiền đạo và có nguy cơ bị băng huyết rất cao. Ngay lập tức kíp trực cấp cứu đã chẩn đoán, tiến hành mổ và cứu được tính mạng của cả hai mẹ con. Trong niềm vui mừng mẹ tròn con vuông, mẹ của bệnh nhân Vừ Thị Việt chia sẻ, nếu như trước đây giao thông đi lại khó khăn mà phải chuyển ra trung tâm cũ ở Chà Cang hay ra ngoài tỉnh thì chắc đã không cứu được 2 mẹ con.

BVĐK khu vực Yên Minh, Hà Giang là một trong 4 bệnh viện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Nằm giữa bốn bề núi đá, BVĐK khu vực Yên Minh là điểm sáng về cơ sở khám chữa bệnh cho bà con đồng bào dân tộc nơi “cổng trời” Quản Bạ, cao nguyên đá Đồng Văn. BSCKII, Phạm Anh Văn, Giám đốc BV cho biết, bệnh viện luôn phát huy trí tuệ tập thể, vai trò cá nhân, từng bước phát triển chuyên môn, từng bước triển khai các kỹ thuật mới với nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trong huyện và khu vực lân cận. BVĐK khu vực Yên Minh cũng là một trong những bệnh viện miền núi đầu tiên của cả nước được triển khai phẫu thuật mổ nội soi từ năm 2012. Hiện nay, bệnh viện cũng đang áp dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới hiệu quả như: mổ nội soi sản khoa, phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, phẫu thuật cố định xương bằng khung cố định ngoại vi, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp longo... Đặc biệt việc triển khai đơn nguyên sơ sinh tại BV, đã giúp nhiều trường hợp sinh nhẹ cân được nuôi dưỡng thành công ngay tại BV...

Xuôi về phía Nam, BVĐK Kỳ Anh là một trong những điển  hình của ngành y tế Hà Tĩnh, trong việc thay đổi về “chất” để phục vụ công tác KCB . Bác sĩ Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc BVĐK Kỳ Anh cho biết: Những năm 2010, 2011, BVĐK Kỳ Anh còn hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. Đội ngũ cán bộ y tế thiếu (cả bác sĩ và cán bộ kỹ thuật chuyên sâu), nhiều khoa phòng chỉ có 1 - 2 bác sĩ; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng so với yêu cầu của một bệnh viện hạng 2; đời sống của cán bộ công nhân viên còn thấp, ảnh hưởng đến hoạt động bệnh viện... Bắt đầu từ chiến lược con người, BVĐK Kỳ Anh thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Trong thời gian 3 năm, bệnh viện đã thu hút được 16 bác sĩ, trong đó có 1 bác sĩ chuyên khoa I. Bệnh viện cũng đã tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị. Đối với các trang thiết bị đắt tiền, đơn vị đã thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật cận lâm sàng cao tại bệnh viện.

Cùng với BVĐK Kỳ Anh, BVĐK TP. Hà Tĩnh cũng đã tạo được sự bứt phá mạnh mẽ. Thắng lợi lớn nhất của đơn vị là đã mời được bác sĩ Hoàng Anh Dũng - chuyên gia phẫu thuật hàng đầu tại Bỉ về công tác. Từ một bệnh viện chưa phát triển được kỹ thuật chuyên sâu, BVĐK TP. Hà Tĩnh đã trở thành trung tâm chuyển giao kỹ thuật nội soi cho các bệnh viện tuyến huyện.

BS. Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết bệnh viện có bước đột phá mới trong việc triển khai các kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật tiêu hóa (cắt dạ dày, đại tràng, gan mật, tuyến tụy, phẫu thuật longo cải tiến, nối chi đứt rời, phẫu thuật chấn thương sọ não, kết hợp xương các loại dưới C.arm,...), lồng ngực (cắt thùy phổi trong các bệnh lý u và một số bệnh lý khác, phẫu thuật cấp cứu tim trong các ca chấn thương, vết thương tim phẫu thuật thoát vị cơ hoành, thoát vị thành bụng bẩm sinh...

Chất lượng là ưu tiên  hàng đầu

Nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân đang đòi hỏi các bệnh viện tuyến huyện đã và đang tự thay đổi mình bằng một cuộc cách mạng đổi mới toàn diện.

BS. Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc BVĐK Kỳ Anh chia sẻ, bệnh viện đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo quy định về tiêu chí mới (hướng đến tiêu chuẩn châu Âu) của Bộ Y tế một cách hiệu quả. BS. Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc BVĐK Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết, mặc dù bệnh viện còn rất nhiều khó khăn về nhân lực, nên việc triển khai các kỹ thuật cao bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn đó, BV tạm đưa ra một số giải pháp: hỗ trợ một khoản tiền và nhà ở cho bác sĩ mới, phối hợp với một số BV tuyến trên để thực hiện một số kỹ thuật cao tại bệnh viện. Song song với đó nhờ được đầu tư xây dựng và được trang bị một số thiết bị y tế. Dù việc xây dựng chưa hoàn chỉnh nhưng BV vẫn đưa vào sử dụng một số hạng mục để phục vụ người bệnh. Một vấn đề mà bệnh viện cũng rất quan tâm hiện nay là đảm bảo “môi trường xanh” nhằm tạo cảnh quan thân thiện với môi trường trong bệnh viện, do đó bệnh viện tích cực đầu tư trồng nhiều cây xanh, xây dựng hòn non bộ...

Nhờ sự quan tâm chung tay của các cấp, các ngành, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã không còn hình ảnh của một bệnh viện với sự xập xệ, xuống cấp về cơ sở vật chất nữa mà thay vào đó là hình ảnh của một bệnh viện xanh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường. Về cơ bản dù còn thiếu thốn và khó khăn cần vượt qua, vai trò của bệnh viện tuyến huyện đã đáp ứng được niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân. Các khu nhà điều trị được xây dựng mới và đưa vào sử dụng; các khoa, phòng được bố trí hợp lý. Bệnh viện đã gắn các hệ thống chỉ dẫn rõ ràng... nhiều khuôn viên bệnh viện đã trở thành “công viên thu nhỏ” phục vụ bệnh nhân....

Nguồn: suckhoedoisong.vn, ngày 2/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất