Thứ Năm, 19/12/2024
Hướng về cơ sở - Giảm tải bệnh viện: Khẳng định hiệu quả thiết thực của một đề án
 
Chạy thận nhân tạo tại TTYT huyện Bắc Sơn mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Nhiều kỹ thuật mới được chuyển giao

Trước đây, những bệnh nhân ở Lạng Sơn có nhu cầu mổ cắt trĩ phải xuống Hà Nội với chi phí phẫu thuật, đi lại, ăn, ở... tốn đến hàng chục triệu đồng. Từ khi thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn được tiếp nhận kỹ thuật mổ cắt trĩ bằng máy model LG2000C. Nhờ đó, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận và mổ cho hàng trăm lượt bệnh nhân với mức chi phí trung bình chỉ khoảng 800 ngàn đồng/bệnh nhân.

Theo phương thức “hỗ trợ 3 tuyến”, trong 7 năm qua, Lạng Sơn đã tiếp nhận trên 100 kỹ thuật mới từ các bác sĩ các bệnh viện như Đa khoa TW Thái Nguyên, BV Việt-Đức, BV Nhiệt Đới, BV Mắt TW, BV Nội tiết Trung ương... có trên 60 lớp tập huấn với gần 1.000 lượt học viên. Các lĩnh vực chuyên môn được hỗ trợ, chuyển giao như sinh hóa máu, chống nhiễm khuẩn, nội tiết, da liễu, phẫu thuật ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tuyến giáp...hỗ trợ chỉ đạo tuyến, điều dưỡng, nghiên cứu khoa học. Những kỹ thuật này đã giúp cho hàng ngàn bệnh nhân không phải chuyển về Hà Nội.

Cũng đã có hàng trăm lượt bác sĩ các bệnh viện tuyến tỉnh như: BVĐK, bệnh biện YHCT, Bệnh viện Lao&Phổi Lạng Sơn được cử về hỗ trợ tuyến huyện. Bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trong 7 năm qua đã có trên 200 kỹ thuật mới được chuyển xuống tuyến huyện. Cũng như vậy, các trung tâm y tế huyện đã cử đội ngũ cán bộ xuống các trạm y tế xã, hoặc luân phiên cho cán bộ y tế xã lên làm việc tại trung tâm y tế huyện theo hình thức “vừa làm vừa học”. BS. Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết, chỉ trong 3 năm (2012-2015), đã có 11 trạm y tế được chuyển giao 56 kỹ thuật mới thuộc các chuyên ngành Ngoại khoa, Sản khoa, Hồi sức cấp cứu, Y học cổ truyền... Tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí đi học và nhất là khắc phục được tình trạng trạm xá thiếu bác sĩ làm việc vì họ phải đi học, tập huấn.

Sự cộng hưởng các chương trình, đề án

Tính từ năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện Đề án 1816, cũng là năm mở đầu giai đoạn nâng cấp, mở rộng các bệnh viện tuyến huyện; củng cố, tăng cường y tế xã. Các chương trình, Đề án này đã có sự cộng hưởng tốt, phát huy tác dụng một cách đồng bộ, và kết quả cuối cùng là người dân được hưởng lợi. Thống kê của ngành y tế  Lạng sơn cho biết, tổng số dịch vụ kỹ thuật đã tăng từ 1.150 kỹ thuật năm 2010 lên đến 6.000 kỹ thuật năm 2015. Số bệnh nhân chuyển tuyến từ tỉnh lên Trung ương giảm 24%, từ huyện lên tỉnh giảm 36%. Số bệnh nhân tử vong hằng năm giảm từ 130 người xuống còn 73 người (tỷ lệ giảm 44,1%), ngày điều trị trung bình giảm từ 7 ngày xuống còn 5,8 ngày. Giờ khám bệnh trung bình từ 5 giờ giảm xuống còn 3,6 giờ.

Kỹ thuật mới, hiện đại đã được phát huy tại tất cả 4 bệnh viện, các trung tâm tuyến tỉnh, 10 bệnh viện tuyến huyện và hơn 20 phòng khám ĐKKV. Điển hình như xét nghiệm sinh hóa tại các Bệnh viện Hữu Lũng, Bình Gia, Chi Lăng; chạy thận nhân tạo tại Bắc Sơn.

BS. Phan Thanh Huy, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, chính việc thực hiện tốt Đề án 1816, mà công tác chỉ đạo tuyến được bệnh viện triển khai sâu sát hơn. Vì mỗi lần về cơ sở, các bác sĩ của bệnh viện nắm được những vấn đề ở cơ sở, những gì cơ sở cần để báo cáo với ban giám đốc. Trên cơ sở đó, lãnh đạo bệnh viện bàn biện pháp tháo gỡ cho cơ sở.

Hơn 7 năm, thời gian chưa nhiều để tạo bước chuyển bền vững của cả hệ thống y tế; song 7 năm cũng đủ cho một Đề án khẳng định tính ưu việt của nó. BS. Nguyễn Thế Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, khi nhận thức của cán bộ cơ sở về tầm quan trọng của bác sĩ 1816 được nâng cao; khi các trang thiết bị của y tế cơ sở đồng bộ và ngày càng hiện đại, thì Đề án 1816 càng phát huy tác dụng ở Lạng Sơn.

Nguồn: suckhoedoisong.vn/ Trần Kim, ngày 14/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất