Thứ Sáu, 24/1/2025
Hiệu quả triển khai dịch vụ công ở Bộ Y tế

Tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, trong những năm qua, Cục An toàn thực phẩm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính công trong lĩnh vực cấp phép về an toàn thực phẩm. Đơn vị cũng xác định công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất trong việc thay đổi nề nối làm việc từ thủ công sang làm việc trên môi trường mạng hướng đến chính quyền điện tử góp phần đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tối đa cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phong, Cục An toàn thực phẩm là một trong những đơn vị đầu tiên trong cơ quan Bộ Y tế triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất trong dịch vụ công tại các cơ quan nhà nước.

Được biết, trước đây, công tác thẩm xét hồ sơ về lĩnh vực an toàn thực phẩm được thực hiện theo cách thủ công truyền thống. Với cách xử lý hồ sơ này, Cục An toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu trữ hàng chục nghìn bộ hồ sơ mỗi năm, tra cứu, thống kê hồ sơ các sản phẩm thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới bị động trong công tác chỉ đạo điều hành, cảnh báo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, ngày 1/8/2014, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên của Bộ Y tế đối với xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, các doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng, nộp phí lệ phí qua mạng (hệ thống thanh toán điện tử Keypay, chuyển khoản trực tuyến), cán bộ công chức Cục An toàn thực phẩm thẩm xét hồ sơ trên phần mềm, doanh nghiệp nhận kết quả trực tuyến hoàn toàn qua mạng (kết quả được ký số và đóng dấu số).

Đến ngày 17/12/2014, Cục An toàn thực phẩm triển khai thêm 2 dịch vụ công trực tuyến đối với cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính triển khai các hoạt động để ngày 05/6/2015, Bộ Y tế đã kết nối thí điểm cơ chế một cửa quốc gia đối với 2 thủ tục của Cục An toàn thực phẩm.

Thông tin về vấn đề này, ông Phong cho biết, đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã cấp 6.000 tài khoản cho doanh nghiệp, đã cấp 27.000.000 giấy phép trực tuyến. Trung bình 1 tháng xử lý hơn 2.000 hồ sơ xin cấp phép.

Theo ông Phong, việc triển khai hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã giúp với doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi; xem thông tin về tình trạng hồ sơ một cách dễ dàng; trao đổi thông tin về tình trạng hồ sơ cũng như bổ sung hồ sơ một cách dễ dàng thông qua phần mềm; thanh toán các khoản phí/lệ phí thông qua hệ thống thanh toán điện tử, chuyển khoản, nộp tiền mặt; giảm chi phí đi lại so với nộp hồ sơ theo cách thông thường; nhận kết quả dạng văn bản số có chữ ký số và dấu số do Ban cơ yếu chính phủ cấp.

Còn đối với Cục An toàn thực phẩm, cán bộ công chức tiếp nhận hồ sơ, thu phí/lệ phí trực tuyến, giải quyết hồ sơ thông qua phần mềm; không phải lưu hồ sơ; Thuận tiện trong việc tra cứu các giấy xác nhận đã được cấp; lãnh đạo Cục ATTP kiểm tra giám sát, thống kê báo cáo giải quyết hồ sơ đúng hạn thông qua theo dõi trên phần mềm; phòng chống tham nhũng; dễ dàng trao đổi kết quả với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Nguồn: Năng lượng mới/ Thanh Ngọc, ngày 18/9/2015

Gửi cho bạn bè