Thứ Sáu, 24/1/2025
Y tế thôn bản: “Chìa khóa” thành công của tiêm chủng mở rộng

 Tủ bảo quản vắc xin tại Trạm Y tế xã Động Lâm

Tại hầu hết các địa phương trên cả nước, bên cạnh sự nỗ lực các cán tiêm chủng các tuyến, còn có một thành phần rất quan trọng đó là các cán bộ “Y tế thôn bản”. Đây là lực lượng không thể thiếu đối với các hoạt động về y tế nói chung và đặc biệt là công tác tiêm chủng mở rộng trên cả nước.

Vai trò của y tế thôn bản là điểm mấu chốt và quyết định đến tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của địa phương, lực lượng này không chỉ có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động tiêm chủng mà còn tham gia hỗ trợ trong việc tổ chức buổi tiêm chủng.

“Gõ cửa” từng nhà vận động đi tiêm

Đó là nhận định của ông Lê Đình Chúc – Trạm trưởng Trạm y tế xã Động Lâm – Huyện Hạ Hòa – Tỉnh Phú Thọ khi nói về vấn đề tiêm chủng mở rộng ở địa phương. Theo ông Chúc, trong những năm qua, địa phương luôn đạt tỷ lệ trên 90% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ.

Để đạt được tỷ lệ trên, theo ông Chúc, địa phương phải mất nhiều năm tuyên truyền vận động nhân dân, việc tuyên truyền này không chỉ có riêng ngành y tế mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

“Tại mỗi buổi sinh hoạt khu dân cư, mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các hội, ngành đoàn thể chúng tôi đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền về việc đưa con đi tiêm chủng mở rộng và những lợi ích của vấn đề này.

Khi tuyên truyền tại các đoàn thể như vậy, có thể đối tượng chính là các ông bố, bà mẹ không có mặt thì sẽ có ông bà hoặc anh em trong gia đình…Cứ như vậy, chúng tôi kiên trì hàng tháng, hàng năm với phương châm “mưa dầm, thấm lâu” và cuối cùng người dân cũng đã hiểu ra vấn đề và tầm quan trọng của việc tiêm chủng phòng bệnh cho con”, ông Chúc chia sẻ.

Ngoài ra, trạm y tế còn xây dựng một chương trình truyền thanh riêng để gián tiếp tuyên truyền cho người dân vào mỗi buổi sáng và chiều hàng ngày

“Nhưng tại địa phương này, tôi nhận định lực lượng để giúp người dân hiểu được vấn đề nhất đó chính là y tế thôn bản. Theo đó, trước mỗi đợt tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, họ lại đến từng gia đình vận động, phân tích cho bà con hiểu. Nếu gia đình nào đến hẹn không đến tiêm, họ lại đến gia đình tìm hiểu lý do và giải thích cho họ biết được những lợi ích và tác hại của việc không đi tiêm phòng.”, Ông Chúc nói thêm.

Theo ông Chúc, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, các địa phương cần phải xây dựng đội ngũ y tế thôn bản vững mạnh, đủ trình độ, năng lực cũng như phải có lòng tin trong nhân dân thì mới giải quyết được vấn đề.

Với những đối tượng e ngại, cần bền bỉ vận động bằng nhiều cách

Nói về vấn đề thực hành tiêm chủng, ông Chúc nhấn mạnh, tại xã Động Lâm đã thực hiện tiêm đầy các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và thực hiện tiêm vào ngày 12 hàng tháng. Đặc biệt, quy trình nhập, bảo quản và thực hành tiêm chủng vắc xin luôn được các cán bộ y tế đặt lên hàng đầu.

“Khi nhận vắc xin về, chúng tôi bảo quản theo đúng qui trình và có các thiết bị đo đạc đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, vấn đề thực hành tiêm chủng là quan trọng nhất, chúng tôi thực hiện khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm rất cẩn trọng, bởi chỉ “xảy một li là đi ngàn dặm”, cũng chính làm tốt những khâu đó, nên trong nhiều năm qua địa phương chưa có trường hợp nào phản ứng hay tai biến nặng xảy ra”, ông Chúc nói.

Cũng liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin trên địa bàn, chia sẻ với phóng viên ông Lê Thành Biên – Chủ tịch UBND xã Động Lâm cho biết, để đạt được kết quả cao nhất, xã đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền về tiêm chủng mở rộng do Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban.

Theo ông Biên, khó khăn lớn nhất trong việc tuyên truyền người dân khi đi tiêm chủng đó chính là việc người dân chưa hiểu về tầm quan trọng khi tiêm chủng vắc xin. Đặc biệt là những gia đình có trẻ đến độ tuổi tiêm vắc xin Quinvaxem, bởi sau khi tiêm về con quấy khóc, nên tâm lý các gia đình lo sợ.

“Trước đây, đã từng có trường hợp là đảng viên nhưng không cho con đi tiêm chủng tiếp theo chỉ vì lý do con đi tiêm về sốt. Chúng tôi đã cử cán bộ đến tận nhà tuyên truyền giải thích cho họ nhưng gia đình không chấp thuận.

Chúng tôi phải nhờ đến chi bộ Đảng vận động, cộng với việc con mắc bệnh do không thực hiện tiêm chủng mở rộng, lúc đó họ mới hiểu được tầm quan trọng của vắc xin”, ông Biên cho hay.

Nguồn: khampha.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi