Thứ Năm, 19/12/2024
Thầy thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số

 Y sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi trao đổi công tác với các đồng nghiệp trong Trạm y tế xã Phú Tân.

Sau khi xã Phú Hoa chia tách thành 3 xã: Phú Vinh, Phú Lợi và Phú Tân, Trạm y tế xã Phú Tân chỉ là ngôi nhà nhỏ mượn tạm của dân. Tuy vậy, nhờ sự nhiệt huyết của 2 y sĩ: Nguyễn Thị Lệ Chi (hiện là Trạm trưởng Trạm y tế xã), Lai Thế Bình (nay là bác sĩ, Phó trưởng trạm y tế xã) và 2 nữ hộ sinh: Nguyễn Thị Vui, Ngô Thị Đây (nay đã nghỉ hưu)…, những cơn sốt rét rừng từng bước được đẩy lùi, các sản phụ không còn cảnh vượt cạn lẻ loi nơi vườn rẫy.

* Ba mươi năm bám trụ

Năm 1986, là y sĩ mới ra trường, bác sĩ
Lai Thế Bình được phân công về Trạm y tế xã Phú Hoa công tác. Lúc ấy, ông mừng lắm vì được phục vụ người dân nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số ngay trên vùng đất mình lớn lên. Bác sĩ Bình tâm sự, cha mẹ ông là người Hoa di cư vào Phú Hoa trước năm 1975. Gia đình có 5 anh chị em, ông là người duy nhất được cha mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Ngày ông về nhận nhiệm vụ ở Trạm y tế xã Phú Hoa, cha mẹ ông và cộng đồng người Hoa ở đây mừng lắm.

Khi xã Phú Hoa chia tách thành 3 xã, bác sĩ Bình được phân công về Trạm y tế xã Phú Tân bám trụ cùng y sĩ Chi và 2 hộ sinh: Đây, Vui. Nhận nhiệm vụ mới cách xa nhà gần 10km, đường sá đi lại khó khăn, nơi làm việc chỉ là ngôi nhà cũ kỹ mượn của dân, dụng cụ y tế và thuốc men thiếu thốn…, bác sĩ Bình và đồng nghiệp vẫn siết chặt tay quyết tâm vượt qua khó khăn.

Xã Phú Tân lúc mới chia tách dân cư còn thưa thớt, họ lập chòi sinh sống rải rác nơi vườn rẫy. Để vào được nhà dân tuyên truyền, triển khai các chương trình y tế dự phòng, bác sĩ Bình cùng các đồng nghiệp phải thuê xe ôm chở vào, hoặc đi xe đạp, cuốc bộ trên những con đường mòn cỏ dại phủ đầu. Mùa mưa đến, nhiều tuyến đường vào nhà dân bị ngập nước, bị ngăn cách bởi suối sâu, mọi người nắm tay nhau vượt suối, lần bước theo hướng dẫn của cán bộ ấp, người dẫn đường. “Vậy mà vui, đoàn kết. Lúc nào chúng tôi cũng vui vẻ, hết mình vì công việc, vì trách nhiệm” - bác sĩ Bình bày tỏ.

Ngày bác sĩ Bình tậu được chiếc xe Honda 67 cà tàng, hay trở chứng, đồng nghiệp của ông mừng vì có phương tiện đi lại “hiện đại”, người nhà bệnh nhân nghèo bớt chạy đôn chạy đáo tìm phương tiện khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Nhìn lại 30 năm gắn bó với người dân xã Phú Tân, nhất là những đồng bào dân tộc thiểu số: Hoa, Tày, Nùng... nghèo khó, bác sĩ Bình nở nụ cười lạc quan tỏ bày: “Năm 2009, khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, tôi được bạn bè gợi ý về nơi tốt hơn công tác, nhưng tôi không nỡ rời xa Phú Tân, vì quý đồng bào và những kỷ niệm đẹp với đồng nghiệp”.

* Chung một tấm lòng

Trạm y tế xã Phú Tân hiện có 9 người. Bác sĩ Bình, y sĩ Chi, nữ hộ sinh Vui là những người gắn bó với trạm thời kỳ đầu đến nay. Nói vui như y sĩ Chi, trạm có 4 thế hệ: 6X (gồm: y sĩ Chi, bác sĩ Bình, nữ hộ sinh Vui); thế hệ 7X, 8X và 9X, gồm các anh chị: Minh (đang học bác sĩ), Long, Hoàng, Kết, Thanh, Luyến. Dù trạm có tới 4 thế hệ nhưng mọi người đều xem nhau là anh em trong nhà, vì sức khỏe của dân mà phục vụ.

Là “chị cả” của trạm (tuổi đời lẫn tuổi nghề), y sĩ Chi thấu hiểu tính tình của các nhân viên dưới quyền để chia sẻ, động viên. Nữ hộ sinh Vui tâm sự: “Người dân ở xã Phú Tân xem y sĩ Chi như người thân; đồng nghiệp thì thương bà không hết, bởi y sĩ Chi lúc nào cũng vì mọi người, hết mình vì công việc và luôn biết lắng nghe đồng nghiệp”.

Y sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phú Tân, tâm sự những năm khó khăn, bà con chuyển bệnh nhân ra trạm bằng võng với 2 người khỏe mạnh gánh ra, hoặc thồ bằng xe đạp. Với những ca nặng buộc phải chuyển ra huyện, phải nhờ chiếc Honda 67 cà tàng của bác sĩ Bình hoặc của bà con chòm xóm. Họa hoằn lắm mới điện thoại về bệnh viện huyện xin xe, nhưng đợi chờ sốt ruột. “Nay xe dịch vụ chỉ cần một cuộc điện thoại là tới ngay, khi gặp ca cấp cứu cần phải chuyện viện gấp anh chị em trong trạm không còn phập phồng lo lắng như trước nữa” - y sĩ Chi nói.

Đã qua 50 mùa xuân, bác sĩ Bình vẫn độc thân, hiền lành như lúc mới về Phú Tân công tác. Đồng nghiệp trong trạm bận chuyện gia đình, ông vui vẻ trực thay; người bệnh không có tiền mua thuốc thì ông lấy tiền lương của mình chia sẻ. Bác sĩ Bình cho biết: “Ngày mới về trạm, thấy người bệnh đứng lấp ló ngoài trạm mà không dám vào vì không có tiền, y sĩ Chi đã bàn với mọi người góp tiền mua thuốc; người có tiền nhưng không có bảo hiểm y tế thì bán thuốc giá rẻ, ai không tiền thì cho luôn. Nhờ vậy, bà con mạnh dạn đến trạm y tế khám bệnh dù không có tiền, không có thẻ bảo hiểm y tế”.

Năm 2002, con đường từ ấp 8 ra Trạm y tế xã Phú Tân vẫn còn gồ ghề, đi lại khó khăn. Vì vậy, anh Pin vừa đèo chị Mẫn bằng xe đạp ra tới trạm thì chị trở dạ, sinh một cậu nhóc ngay dưới gốc bằng lăng trước cửa trạm. Lúc ấy, y sĩ Chi và đồng nghiệp phải mang dụng cụ ra đỡ đẻ ngay dưới gốc bằng lăng, xong đâu đó mới đưa sản phụ và em bé vào trong chăm sóc.

Y sĩ Chi chớm buồn kể lại, những năm tháng khó khăn có rất nhiều bà mẹ, trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván vì sinh nở tại nhà, tự cắt cuống rốn bằng dụng cụ không được tiệt trùng. Nhờ tăng cường công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản của cán bộ trạm, số ca nhiễm trùng uốn ván, trẻ sơ sinh tử vong tại nhà sau này đã chấm dứt; phụ nữ mang thai biết ra trạm thăm khám thai định kỳ, sinh nở tại trạm, bệnh viện hoặc người chồng mạnh dạn ra trạm rước nữ hộ sinh vào tận nhà chăm sóc khi vợ trở dạ.

Cây bằng lăng ngoài sân Trạm y tế xã Phú Tân mùa này rụng trơ lá, xum xuê trái khô, lốm đốm chồi non giữa mùa nắng. Y sĩ Chi, bác sĩ Bình, nữ hộ sinh Vui ví nó như biểu trưng của sự sống, sự vươn lên của những người nông dân vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Tân. Mưa dầm, nắng hạn vẫn hiên ngang sinh trưởng, phát triển như vùng đất và con người Phú Tân mà tập thể y, bác sĩ, nữ hộ sinh của trạm được cấp trên phân công về đây bám trụ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân.

Nguồn: baodongnai.com.vn/Đoàn Phú, 1/3/2016


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất