Thứ Sáu, 24/1/2025
Hà Nội: Tăng cường chăm lo công tác y tế học đường

Bên cạnh đó, các trường còn quan tâm thực hiện công tác vệ sinh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Các trường tiểu học, mầm non có bếp ăn bán trú đều được quan tâm về cơ sở vật chất, quản lý bếp ăn đảm bảo VSATTP nên không có những vụ ngộ độc lớn xảy ra. Các trường học đã thực hiện tốt việc theo dõi học sinh ốm, nghỉ; 100% các trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Ngoài ra, các trường trên địa bàn thành phố còn tập trung triển khai có hiệu quả công tác nha học đường, chăm sóc mắt học đường, công tác sơ cấp cứu trong trường học, công tác vệ sinh phòng, chống dịch, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe…

 
Trong số các quận, huyện trên địa bàn thành phố, quận Hoàn Kiếm được đánh giá là địa phương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Với 46 trường học, tổng số 36.765 học sinh, ngay từ đầu năm học, Ban chỉ đạo y tế học đường của quận đã được thành lập. 100% các trường học trên địa bàn kiện toàn Ban sức khỏe; 100% các trường học trên địa bàn có cán bộ y tế chuyên trách; 100% trường tiểu học, THCS, PTTH có phòng y tế riêng, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như giường bệnh, tủ thuốc, các dụng cụ y tế, tài liệu tuyên truyền… Đối với công tác VSATTP, toàn quận có 38 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Trong đó có 31/38 trường có bếp ăn bán trú đều đảm bảo quy trình chế biến một chiều; 7 trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú. Các trường đều có cam kết và lưu các giấy tờ của đơn vị cung cấp thực phẩm theo đúng quy định. Trong năm học 2014 – 2015, 42/46 trường trên địa bàn quận đã được công nhận là trường học an toàn, không có trường hợp học sinh bị tai nạn thương tích nặng.
 
Mặc dù công tác y tế học đường đã được thành phố quan tâm hơn so với nhiều năm về trước, song, trường học là nơi tập trung đông người, dễ phát sinh các loại dịch bệnh, lây lan diện rộng. Nhiều nguy cơ gây dịch bệnh, mất ATTP vẫn tiềm ẩn ở các trường. Một số trường còn thiếu các nhà vệ sinh hoặc có, nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn, thiếu nước, xà phòng, hóa chất sát khuẩn…, nhất là với nhiều trường học ở ngoại thành. Cùng với đó, học sinh chưa được tuyên truyền, nhận thức đầy đủ về việc thực hiện vệ sinh cá nhân, ý nghĩa, tác dụng phòng, chống dịch bệnh, trong các hoạt động, sinh hoạt tại trường, cho nên thiếu ý thức, chưa thay đổi hành vi, thói quen để bảo đảm, giữ gìn vệ sinh chung. Hiện tượng tồn đọng rác, bể nước, hố nước làm phát sinh bọ gậy, côn trùng, muỗi… mang mầm bệnh vẫn tồn tại trong không ít trường học. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, quản lý chế biến, bảo quản thực phẩm, cung cấp suất ăn trong các trường học, cơ sở giáo dục có mặt còn hạn chế. Tình trạng thiếu cán bộ y tế, cơ sở vật chất cho công tác này cũng đang tồn tại ở nhiều trường…
 
Để khắc những tồn tại, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác y tế học đường, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác y tế học đường năm 2015 – 2016 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu kiện toàn ban chỉ đạo y tế học đường các cấp, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn: phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định.
 
Song song với đó, tiến hành đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế học đường. Đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh theo quy định. Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho học sinh, nhất là tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, tiếp tục củng cố và nhân rộng mô hình điểm về phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường. Đẩy mạnh hoạt động phòng chống tai nạn thương tích học đường, đặc biệt là phòng tai nạn đuối nước. Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với các chương trình khác như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vitamin A…

Nhã Khanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi