Thứ Năm, 23/1/2025
Điểm sáng quân dân y nơi biên giới Lai Châu
Quân y BĐBP Lai Châu phối hợp với y tế cơ sở tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh

Anh Chẻo Dếu San, ở bản Séo Hồ Thầu (xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ) nhiều ngày trước bị ho, sốt li bì phải nằm ở nhà, không đến Trạm y tế xã Mồ Sì San để khám bệnh được. Sau khi biết tin, cán bộ của Đồn BP Vàng Ma Chải cùng với Trạm y tế xã Mồ Sì San xuống thăm, khám bệnh, phát thuốc uống, mấy ngày sau, anh đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục làm việc. Anh San chia sẻ: "Đến tận nhà khám bệnh, các cán bộ rất gần gũi, niềm nở, hỏi han tận tình về sức khỏe, tình hình bệnh tật, hướng dẫn tôi cách uống thuốc điều trị bệnh. Tôi làm đúng như hướng dẫn và chỉ vài ngày sau, bệnh đã thuyên giảm dần và khỏi hẳn. Tôi rất xúc động".

Được biết, anh San chỉ là một trong số rất nhiều người dân xã Mồ Sì San được các cán bộ Đồn BP Vàng Ma Chải, Trạm y tế xã Mồ Sì San khám chữa bệnh tại gia đình theo chương trình kết hợp QDY. Hàng quý, ngoài khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, cán bộ quân y của đồn BP và Trạm y tế xã Mồ Sì San còn thường xuyên tổ chức tiêm phòng, tuyên truyền cho nhân dân về cách phòng chống dịch bệnh thông thường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.

Qua đó, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, tự biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như tăng cường mối quan hệ gắn bó quân - dân. Nói như Trung úy Tạ Xuân Hạnh, cán bộ quân y Đồn BP Vàng Ma Chải thì dấu ấn để lại sau mỗi chuyến xuống khám chữa bệnh cho bà con ở các xã Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Pa Vây Sử không phải là chặng đường đi vất vả mà là tình cảm ấm áp của bà con dành cho cán bộ, chiến sĩ, thúc giục các anh thêm yêu mến và gắn bó với mảnh đất vùng biên này.

Chương trình kết hợp QDY được tỉnh Lai Châu triển khai sớm ngay từ đầu năm 2005. Để chương trình triển khai hiệu quả, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban QDY tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, đồn BP tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, hiệu quả, ý nghĩa của chương trình kết hợp QDY đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn để mọi người tích cực tham gia.

Hơn 10 năm qua, chương trình kết hợp QDY của tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 11 đợt khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 35.000 lượt đối tượng chính sách và người dân, trị giá trên 100 triệu đồng. Đến nay, 54/108 xã trong toàn tỉnh đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. 8 xã được đầu tư nâng cấp trạm y tế, trang thiết bị y tế đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, chương trình kết hợp QDY đào tạo được 185 cô đỡ thôn bản, đào tạo mới 200 nhân viên y tế thôn bản và đào tạo nâng cao cho trên 400 nhân viên y tế cơ sở. Chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn biên giới Lai Châu. 

Ông Bùi Tiến Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Trong hoạt động xây dựng khu vực phòng thủ, ngành Y tế luôn chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố, hoàn thiện kế hoạch đảm bảo công tác y tế bằng các hoạt động cụ thể: Kiện toàn một đội y tế dự phòng tuyến tỉnh và 7 đội y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố, 15 phòng khám đa khoa khu vực, 108 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố, ngành chỉ đạo mỗi đơn vị thành lập một tổ cấp cứu cơ động, một tổ phòng chống dịch lưu động có đủ biên chế nhân lực, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi được điều động và khi có tình huống xảy ra trên địa bàn huyện, thành phố".

Sở Y tế và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng là lực lượng chủ công trong kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp trên địa bàn tỉnh. Hai bên đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức phòng chống thiên tai thảm họa, phòng chống dịch bệnh cho 40 cán bộ y tế xã và 20 cán bộ quân y các đồn BP huyện Phong Thổ và Mường Tè. Khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra trên địa bàn, lực lượng y tế xã phối hợp với quân y các đồn BP tập trung tổ chức thu dung, cứu chữa người bị thương tại chỗ và chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Đồng thời, phối hợp tẩy uế, làm sạch môi trường, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.

Điểm nhấn nữa của chương trình kết hợp QDY của tỉnh Lai Châu là các chương trình hành động thiết thực để hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ. Lực lượng QDY đã triển khai tư vấn cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi về chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp vệ sinh, cấp sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng và sản phụ, khám và điều trị kịp thời các bệnh về hô hấp, tiêu chảy cho trẻ em. Hiệu quả từ các chương trình: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS từ mẹ sang con, điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, phòng chống sốt rét, bệnh lao..., đưa Lai Châu từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển y tế. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm nhanh từ 36,2% (năm 2004) xuống còn 23,1% (năm 2015); tỷ lệ tử vong trẻ em giảm từ 45%o (năm 2005) xuống còn 33,13%o (năm 2015); tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tăng từ 91,4% năm 2005 lên 93,42% năm 2015; nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh không có ca bệnh tử vong do sốt rét...

Có thể nói, sự vào cuộc tích cực của lực lượng BĐBP đã giúp chương trình kết hợp QDY trên địa bàn tỉnh Lai Châu triển khai đạt hiệu quả. Đây là giải pháp hữu hiệu để tỉnh Lai Châu làm tốt nhiệm vụ dân vận của Đảng, củng cố tuyến y tế cơ sở, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bộ đội và nhân dân trong tình hình mới.

Bích Vân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi