Trước quý III/2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố phải phối hợp với các Sở Tài chính, Y tế, LĐ-TB&XH, KH-ĐT xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kết dư quỹ khám chữa bệnh năm 2015 (nếu có) và nguồn huy động khác để hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm phải đóng của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2016 cho các đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình; học sinh sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp khó khăn về kinh tế.
Đó là yêu cầu được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu rõ trong Công văn số 2783/BHXH-BT chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mở rộng đại lý thu BHYT
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT (trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020) đối với cấp huyện. Trong đó, cân đối nguồn tài chính hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT theo hướng giảm dần chi phí cấp cho cơ sở khám chữa bệnh từ nguồn ngân sách nhà nước sang mua thẻ BHYT...
Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục mở rộng đại lý thu đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở KCB, tổ chức kinh tế. Trường hợp đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở KCB không có tư cách pháp nhân đầy đủ thì phải có nhân lực và được tổ chức cấp trên giới thiệu, bảo lãnh hoặc tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên ký quy chế phối hợp với cơ quan BHXH.
Đồng thời, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện ở địa phương mình; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát, lập danh sách mua thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ danh sách này, cơ quan BHXH triển khai cấp thẻ BHYT đến hết năm 2016.
Tăng cường vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng chỉ đạo, BHXH các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền, đổi mới hình thức và nội dung để các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và mọi người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT; tăng cường vận động người dân tích cực tham gia BHYT hộ gia đình, đảm bảo trong năm tài chính có 100% thành viên tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng.
Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát, lập danh sách mua thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Quyết định 1049/QĐ-TTg; người sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo quy định tại Điều 1, Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ danh sách phê duyệt, thực hiện thu và cấp thẻ BHYT đến hết năm 2016 theo quy định.
Đồng thời, tăng cường vận động để người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình, đảm bảo trong năm tài chính có 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT. Phổ biến để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia BHYT...
Tính đến ngày 30/6/2016, số đối tượng tham gia BHYT là 72,81 triệu người, tăng khoảng 2,8 triệu người (tương đương với 4,1%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ 100,9% so với kế hoạch giao và tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,0%, trong đó: 13 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, các tỉnh có tỷ lệ cao như: Lào Cai (98,5%), Điện Biên (97,8%), Thái Nguyên (97,4%), Hà Giang (97,3%)... 16 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 79% đến dưới 90% dân số.
Hoàng Phong