Thứ Năm, 23/1/2025
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng sâu, vùng xa
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 khám bệnh cho già làng Ê Đê kết hợp hướng dẫn chuyên môn cho nhân viên y tế xã Eabia.

Hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn

Xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xã hiện có một trạm y tế nhưng hiệu quả hoạt động không cao do thiếu cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Do vậy, đứng chân trên địa bàn xã, Bệnh xá Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đã tích cực hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hầu hết đồng bào địa phương. Thượng úy, bác sĩ Lê Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng cho biết: Nhiều trường hợp trạm y tế không xử lý được phải chuyển nhờ chúng tôi giúp đỡ. Mới đây, bệnh nhân Hồ Thị An, 3 tuổi, con anh Hồ Ngọc Vạn ở bon Đắc Huých đã được bệnh xá cứu sống. Cháu An được đưa vào bệnh xá khi đã chết lâm sàng. Chúng tôi nhanh chóng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cấp cứu. Theo phân cấp, bệnh xá sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thế nhưng nếu chuyển ra tới bệnh viện huyện cách mấy chục cây số đường rừng chắc chắn cháu sẽ tử vong. Do vậy, bệnh xá quyết định hội chẩn ngay và tập trung toàn lực điều trị với quyết tâm cứu sống cháu bé. Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Bệnh viện Quân dân y 16 của binh đoàn, chúng tôi đã thành công. Bệnh nhân dần hồi phục trong niềm vui của mọi người.

Không riêng Bệnh xá Trung đoàn 726 mà các bệnh xá xã, trung tâm y tế huyện cũng được Bệnh viện 16 hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật. Bác sĩ Võ Thành Mười, Giám đốc bệnh viện cho biết: Mấy năm gần đây, bệnh viện được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh viện được đào tạo chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là thế mạnh để Bệnh viện 16 thực hiện tốt chương trình quân, dân y kết hợp, hỗ trợ các bệnh xá, trạm y tế chăm lo tốt nhất cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Phương thức hỗ trợ chăm lo sức khỏe đồng bào được Bệnh viện 16 áp dụng chủ yếu là thông qua các đợt tập huấn chuyên môn cho y sĩ, bác sĩ bệnh xá trung đoàn hoặc cử lực lượng tham gia các chương trình chung tay vì sức khỏe cộng đồng để kết hợp bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ cho nhân viên y tế các xã. Cách làm này phù hợp với loại hình bệnh viện tuyến dưới như Bệnh viện 16.

Cũng hỗ trợ tuyến y tế địa phương, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) lại áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả. Trong những chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các địa phương, Bệnh viện Quân y 175 đều chủ động hướng dẫn kỹ năng chuyên môn cho các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế xã, huyện thông qua thực tế khám bệnh, kê đơn thuốc, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. Đại tá Trần Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: Ngoài hướng dẫn, giúp đỡ chuyên môn cho đồng nghiệp tuyến y tế cấp xã, bệnh viện còn hỗ trợ đào tạo chuyên sâu theo các chuyên ngành. Đặc biệt, Bệnh viện Quân y 175 đang tích cực phối hợp với Sở Y tế, bệnh viện đa khoa các tỉnh Nam Bộ thực hiện toàn diện chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhận bệnh tuyến cuối, hỗ trợ điều trị bảo đảm chất lượng, hiệu quả, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Sau những đợt từ thiện xã hội của các bệnh viện quân đội, chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế cấp xã được nâng lên rõ rệt. Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẳng định: Nhờ sự giúp đỡ của các bệnh viện quân đội, nhất là thông qua chương trình quân dân y kết hợp, chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” đã góp phần “nối dài” hoạt động của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào, nâng cao chất lượng phục vụ người dân dọc tuyến biên giới và địa bàn hẻo lánh, xa xôi.

 Trao tặng thuốc, phương tiện kỹ thuật

Tới thăm Trạm y tế xã Eabia, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), chúng tôi gặp y sĩ Ksor Yem, Trạm trưởng trạm y tế, đang khám bệnh cho ông Y Mô TNgốt, 86 tuổi, ngụ tại buôn Thu. Sau một hồi kiểm tra các thông số kỹ thuật bằng máy thử đường huyết, y sĩ Ksor Yem nhanh chóng kết luận bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Trạm trưởng Ksor Yem bộc bạch: "Nhờ các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 tặng chúng tôi máy thử đường huyết và một số thuốc đặc trị nên việc chẩn đoán và chữa bệnh trở nên thuận tiện, nhanh chóng, chính xác hơn nhiều".

Xã Eabia và xã Eatrol có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, H’roi, Chăm… Bà con sống chủ yếu bằng nghề nông và làm thuê, làm mướn. Xã nghèo, người dân còn vất vả nên cơ sở vật chất của trạm thiếu thốn đủ đường. Trạm chỉ có các dụng cụ y tế thông thường như dao kéo, bông băng... Mặc dù thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Sông Hinh đã có 4 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu nhiều vật chất kỹ thuật, máy móc phục vụ chăm sóc sức khỏe đồng bào. Do vậy, nhiều trường hợp trạm y tế xã không thể chẩn đoán ban đầu, đành giới thiệu lên bệnh viện huyện. Trạm trưởng Ksor Yem tâm sự: “Cuối năm ngoái, ông Oi Hà, 72 tuổi, ngụ tại xã Eatrol bị nôn ói, đau bụng, rồi hôn mê. Qua khám sơ bộ tôi dự đoán là bệnh tiểu đường nhưng do không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ nên không dám chắc đành chuyển tuyến. Đường ra huyện khá xa, người thân đưa ông về nhà. Lo lắng, không yên tâm, tôi chạy theo, phát hiện ông hôn mê sâu, liền yêu cầu đưa ông lên ngay bệnh viện huyện. May mà cấp cứu kịp thời nên ông qua khỏi… Tình trạng này giờ đã không còn lặp lại nhờ sự hỗ trợ trang thiết bị y tế của các bệnh viện quân đội”. Theo bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Y tế huyện Sông Hinh, cái thiếu nhất của y tế cơ sở là phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là các loại máy móc hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị. Cho nên, sự hỗ trợ của các bệnh viện quân đội về vật chất, máy móc đối với các trạm y tế cấp xã là điều rất quý giá nhằm bảo vệ sức khỏe cho đồng bào ngay từ khi chẩn bệnh, hạn chế thấp nhất biến cố xảy ra. Đánh giá kết quả thực hiện mô hình quân dân y kết hợp, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Các bệnh viện quân, dân y đã tích cực cử cán bộ xuống giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn cho tuyến dưới; bổ sung một phần trang thiết bị chuyên môn góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho các địa phương, nhất là địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe đồng bào.

Hà An

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi