Sang tháng 5, bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, mức nền nhiệt độ khá cao, cần chú ý phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra.
Các bệnh như: phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt)… Thông thường, đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 250C. Trong khoảng từ 200C - 300C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào, nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này. Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm.
Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, nên có các biện pháp sau đây:
Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ - 16 giờ, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Nên uống các loại nước cung cấp cả nước và muối khoáng.
Trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, cần phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Nguyên nhân là do mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá… Những hoạt động như vậy vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp, khiến các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập, gây các bệnh lý như nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể.
Một số bệnh truyền nhiễm chúng ta ít chú ý tới như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này. Đối với trẻ ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch tiêm phòng. Tốt nhất, sau 3 - 5 năm, chúng ta nên tiêm phòng nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.
Bích Vân