Thứ Tư, 22/1/2025
Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

Muốn bảo đảm thực thi, cần chế tài đủ mạnh

Hiện nay, nghĩa vụ tham gia BHYT đã được xác định rõ ràng trong Luật BHYT, mọi đối tượng đều bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT cho thấy, tính đến hết năm 2016, còn tới gần 17 triệu người chưa có thẻ BHYT, trong đó không ít người lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước, học sinh, sinh viên, người thuộc nhóm hộ gia đình, nhất là nhóm hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Có thể thấy, một hệ thống quy định có ý nghĩa bảo đảm thực thi pháp luật nói chung và Luật BHYT nói riêng cần sớm được ban hành với các chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhanh chóng xóa bỏ nhận thức sai lầm của một bộ phận không nhỏ người dân rằng “chỉ tham gia BHYT khi có nhu cầu khám, chữa bệnh”. Cùng với đó, cơ chế nâng mức hỗ trợ cho những nhóm đối tượng có nhiều khó khăn trong việc đóng phí tham gia BHYT, tạo điều kiện mở rộng bao phủ đối tượng BHYT, giúp người dân thay đổi nhận thức và hiểu tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của chính sách BHYT ở nước ta và để BHYT thật sự đi vào cuộc sống và là “cứu tinh” cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau bệnh nặng.

Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định về quyền lợi, tăng cường chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua, các quy định về quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia dù đã được tăng lên đáng kể song vẫn còn những hạn chế cần được hoàn thiện. Về phạm vi hưởng BHYT, bên cạnh những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng giới hạn chi phí mà BHYT thanh toán cho người thụ hưởng, pháp luật BHYT hiện nay dường như vẫn chưa quy định những mức hưởng cao hơn. Quỹ BHYT đang được quy định đóng ở mức tương đối thấp, có nhiều nhóm đối tượng đang đóng BHYT căn cứ trên mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (4,5% của 1.210.000 đồng, tương đương 654 nghìn đồng mỗi năm), mặt khác quyền lợi được hưởng tùy theo tình trạng bệnh tật, cho nên có nhiều bệnh nhân nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tốc độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hằng năm tăng nhanh, bình quân nếu không có sự biến đổi về giá của các dịch vụ kỹ thuật và thuốc, vật tư y tế thì năm sau tăng hơn năm trước khoảng từ 6 đến 9%, riêng năm 2016 do tăng giá viện phí theo Thông tư số 37/2015/TTLT của liên Bộ Y tế và Tài chính, chi phí của các dịch vụ y tế đã tăng 38% so với năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ đóng BHYT không tăng nên quỹ BHYT hằng năm chỉ tăng thấp khi mức lương cơ sở được Nhà nước có điều chỉnh.

Về những trường hợp không được hưởng BHYT, Nhà nước nên tiếp tục thu hẹp nội hàm quy định hơn nữa để bảo đảm nới rộng thêm quyền lợi của người dân. Thí dụ: dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán thai nhi để khám sàng lọc trẻ sơ sinh, kiểm tra sức khỏe thai nhi, nếu phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh thì có thể loại bỏ khi còn là bào thai. Do vậy, tuy chẩn đoán thai nhi không vì điều trị nhưng lại rất quan trọng trong việc giảm chi phí y tế sau khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình cháu bé.

Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản được quỹ BHYT chi trả chưa đáp ứng những nhu cầu khám, chữa bệnh kỹ thuật cao, chi phí lớn dẫn đến người dân có thu nhập cao có xu hướng đi tìm các doanh nghiệp bảo hiểm, nơi hoàn toàn có thể cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, tất nhiên, kèm theo mức phí lớn. Vậy, nên chăng BHYT do Nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện cũng cần đưa ra nhiều lựa chọn cho các đối tượng tham gia khác nhau, trong đó lấy “gói” dịch vụ cơ bản làm tấm “lưới đỡ” an toàn cho mọi người tham gia BHYT; những “gói” dịch vụ nâng cao, đa dạng (BHYT bổ sung) sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, góp phần làm tăng sức hấp dẫn của BHYT.

Hoàn thiện quy định bảo đảm an toàn quỹ

Với các quy định về mức đóng phí tham gia BHYT hiện nay mang tính phổ quát chung, Quỹ BHYT chỉ có thể chi trả cho những chi phí y tế cơ bản, thiết yếu. Do vậy, nếu hệ thống BHYT của tương lai có xu hướng tiến tới mục tiêu cung cấp đa dạng các “gói dịch vụ”, thì cũng cần xây dựng cơ chế đóng góp theo các mức phân tầng tương ứng.

Trong giai đoạn hiện nay, các quy định pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cùng cơ chế bảo đảm thực hiện trách nhiệm tương ứng nên tập trung vào một số vấn đề như: Quốc hội cần tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, nhất là đối với các địa phương cấp tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 80%. Chính phủ cần chỉ đạo các tỉnh thực hiện và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ mức đóng cho các hộ gia đình cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các giải pháp quản lý Quỹ BHYT, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho các nhóm đang có khó khăn trong tham gia BHYT như nhóm hộ gia đình, học sinh, sinh viên...

Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong triển khai thực hiện BHYT; chỉ đạo các Sở Y tế địa phương và các cơ sở y tế kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu, chuẩn hóa các danh mục dùng chung toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm, tăng cường pháp chế, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Hiện nay, các chế tài được áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHYT mới chỉ dừng lại ở loại chế tài hành chính với mức xử phạt cao nhất là 75 triệu đồng với cá nhân, 150 triệu đồng với tổ chức. Đây là mức phạt khá nhẹ đối với nhiều vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như sự an toàn của chính sách BHYT.

Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng chây ỳ, nợ đọng, trốn đóng BHYT kéo dài và ngày một trầm trọng trong thời gian qua. Nên chăng, một hệ thống với các chế tài mạnh hơn, trong đó có cả các chế tài hình sự nghiêm khắc cần được thiết lập để nâng cao tính bảo đảm thực thi của Luật BHYT. Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành cũng sẽ được khẩn trương nghiên cứu, ban hành, tạo cơ sở pháp lý nghiêm minh để trừng phạt những chủ thể có hành vi vi phạm, qua đó phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực BHYT.

Cẩm Châu

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi