Tuy nhiên, theo TS-BS.PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế, vẫn còn một bước dài để y tế Đồng Nai thực hiện mục tiêu trên.
Thưa ông, mặc dù đã có nhiều đổi thay tích cực nhưng vẫn còn không ít sự ta thán của người dân về chất lượng chẩn đoán, điều trị của đội ngũ y tế trong tỉnh. ý kiến của ông về vấn đề này?
- Trong 5 năm trở lại đây, trên bình diện ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và kỹ thuật chuyên sâu thì ngành y tế Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thành thạo trong mổ tim hở, đặt stent động mạch vành, điều trị ung thư; ngay cả những bệnh viện tuyến khu vực và tuyến huyện cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó. Những kỹ thuật mũi nhọn của ngành y cả nước có gì thì y tế Đồng Nai cũng đã tiếp cận được.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận một điều là chất lượng chẩn đoán, điều trị giữa các bệnh viện cùng tuyến chưa đồng đều, chưa ổn định. Tôi thừa nhận tại một số bệnh viện từng có chẩn đoán sai, thiếu chính xác trong một số trường hợp. Chẩn đoán sai dẫn đến hướng điều trị sai. Do đó, chúng tôi cần có thêm thời gian để đánh giá lại những kỹ thuật mà các bệnh viện đã làm để điều chỉnh, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.
|
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trang bị xe đưa đón người bệnh qua lại giữa khu công và khu dịch vụ |
Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã xảy ra việc người thân bệnh nhân gây hấn, thậm chí đánh cả nhân viên y tế. Theo ông nguyên nhân có phải là do chất lượng phục vụ chưa tốt?
- Tình trạng người bệnh hoặc thân nhân người bệnh bức xúc, gây hấn, thậm chí đả thương nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh. Từng là giám đốc một bệnh viện lớn tôi hiểu rất rõ áp lực của người bệnh, thân nhân người bệnh và của đội ngũ y tế ở 2 khoa này.
Trong môi trường bệnh viện, đội ngũ y tế và người bệnh có những góc nhìn khác nhau. Khi có người thân cấp cứu, ai cũng muốn người nhà mình được chăm sóc nhanh nhất, tốt nhất nên khi không được như ý thì họ tỏ ra bức xúc, có những lời lẽ hoặc hành động khiếm nhã đối với nhân viên y tế.
Nhưng về phía nhân viên y tế, bằng cái nhìn nghề nghiệp họ đánh giá được bệnh nhân nào có nguy cơ cao hơn để tập trung cấp cứu trước. Về cảm quan, những bệnh nhân chảy máu nhiều tưởng nặng nhưng chưa chắc nguy hiểm bằng người nhìn không thấy giọt máu nào nhưng lại có diễn biến nguy kịch bên trong. Việc người nhà gây hấn với nhân viên y tế hoàn toàn là không đúng, không hay, thậm chí gây bất lợi cho người thân chính họ. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế có thái độ thiếu thân thiện, thiếu trao đổi, giải thích, dẫn đến người thân bệnh nhân bức xúc.
Ngành y tế có những phương án gì trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện và an toàn cho các nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ?
- Để bảo đảm được môi trường an toàn cho nhân viên y tế cũng là bảo vệ bệnh nhân, ngành đang tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh để hạn chế các sai sót về chuyên môn. Song song đó là yêu cầu đội ngũ nhân viên các bệnh viện nâng cao tinh thần, thái độ, kỹ năng tiếp xúc người bệnh, cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi… để giảm bớt những bức xúc không cần thiết.
Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ, tăng cường chế độ trực, ngăn chặn kịp thời các hành vi đe dọa, tấn công cán bộ y tế và người dân đến khám chữa bệnh. Bảo đảm an ninh, trật tự trong và ngoài bệnh viện là giải pháp căn cơ, bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế đồng thời cũng là mục tiêu phải thực hiện để hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Hướng đến sự hài lòng của người bệnh, trong đó quan trọng nhất là nâng cao chất lượng điều trị. Theo ông ngành y tế cần làm gì để thực hiện mục tiêu này?
- Nâng cao chất lượng điều trị là mục tiêu lớn mà ngành đang nỗ lực thực hiện. Trước đây giữa các bệnh viện tự do cạnh tranh với nhau, việc này không phát huy hết sức mạnh, nếu không nói là triệt tiêu những động cơ tốt. Hướng quản lý sắp tới là sẽ đặt các bệnh viện vào một thể thống nhất. Sẽ có sự trao đổi bác sĩ, chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện cùng hạng. Chẳng hạn, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mạnh về điều trị ung thư thì có thể chuyển giao kỹ thuật này cho Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ngược lại, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất rất giỏi về lọc thận thì sẽ chuyển giao lại cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai… Tiếp đó là sự chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm từ tuyến tỉnh xuống tuyến khu vực và huyện; giữa các bệnh viện huyện với nhau để tạo ra sức mạnh đồng đều, ổn định giữa các bệnh viện cùng tuyến.
Xin cảm ơn ông!
Văn Hoàng