Thứ Năm, 16/1/2025
Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19


Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Do đó, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái “bình thường mới”…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 11h ngày 28/3), thế giới ghi nhận hơn 3 triệu trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; có 211.609 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 40.766 trường hợp mắc và 1.447 tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (14.423) và Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (765).

Tại Việt Nam, ghi nhận 270 trường hợp mắc (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17/4), 230 trường hợp đã khỏi bệnh, 48 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), trong đó bệnh nhân số 20 và 161 đang tập cai thở máy.

Ban Chỉ đạo cho biết, có 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng, nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

Về vấn đề xét nghiệm, cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime-PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).

Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Sinh phẩm “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: Sử dụng rộng rãi cho tất cả các tuyến từ tuyến huyện; độ nhạy và độ đặc hiệu cao khoảng 95% sau khi bị nhiễm 8 ngày; giá thành của sinh phẩm này rẻ (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.

Hai xét nghiệm trên đây dùng để bổ trợ cho nhau trong việc khẳng định COVID-19 và xác định mức độ lây lan trong cộng đồng. Thời gian tới, với 2 loại sinh phẩm sản xuất được, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm cũng như các sinh phẩm, hóa chất cần thiết khác.

Về việc sửa Nghị quyết số 20/NQ-CP về xuất khẩu khẩu trang, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án: Bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp để bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước.

Phát biểu kết luận cuộc họp Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được chủ quan, không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia cần tiếp tục thực hiện chiến lược được đề ra, kiên quyết ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong 12 ngày qua) nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 trên một số góc độ, một số khu vực cần phải tiếp tục được quan tâm, nhất là trong kỳ nghỉ kéo dài. Người đứng đầu chính quyền cơ sở phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đã nêu ra, đặc biệt là chống tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường. Làm sao chúng ta bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, an toàn với dịch bệnh, bảo đảm an toàn giao thông, Thủ tướng nêu rõ, riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục hoạt động 100%.

Về các đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, tạo điều kiện tối đa, các thuốc điều trị COVID-19 và vật tư y tế cũng vậy. Tháo gỡ mọi điều kiện để khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Nghị quyết 37 của Chính phủ về một số nhóm đối tượng hưởng chính sách về phòng, chống dịch. Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ.

Thủ tướng nhất trí với đề nghị cho phép các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân). Thủ tướng đồng ý với phương án cách ly chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý về Việt Nam thuận lợi, với cách cách ly phù hợp.

Các địa phương, các ngành cần tập trung các lực lượng, các giải pháp để kiểm soát nguy cơ nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng cho rằng, cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là phản công, dập dịch nhanh nếu phát hiện. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành khác để phát triển sản xuất kinh doanh.

Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch.

Các địa phương và ngành giáo dục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại. Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thật cụ thể, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.

Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, với các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về Việt Nam qua đường mòn, lối hẻm.

Bộ GTVT căn cứ diễn biến dịch, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, đi ô tô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.

Theo Thủ tướng, tất cả các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương mình, cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như là du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không.

Thủ tướng cũng lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong vấn đề mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất