|
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam ông Kidong Park tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - ông Kidong Park khẳng định, Việt Nam an toàn khi làm tốt công tác ứng phó dịch Covid-19.
Ông Kidong Park gửi lời chúc mừng Việt Nam khi 26 ngày liên tiếp vừa qua không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, tuy nhiên, thực tế là đại dịch vẫn chưa qua. Do đó, các nước và Việt Nam vẫn phải đặt trong tâm thế cảnh giác và theo dõi diễn biến dịch chặt chẽ.
“Việt Nam không có ca bệnh trong nội địa 26 ngày qua, nhưng các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu vẫn đang ứng phó vô cùng vất vả với đại dịch Covid-19. Nguy cơ vẫn hiện hữu ở đó, do vậy nguy cơ có những ca bệnh tiếp theo trong cộng đồng là vẫn có thể”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Tâm thế cho trạng thái bình thường mới
Trưởng đại diện WHO nhắc lại nỗ lực quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, của toàn hệ thống chính trị, của Ban chỉ đạo cũng như ngành y tế khi vào cuộc từ rất sớm, đồng thời có những biện pháp dự phòng và đáp ứng phù hợp để mang lại kết quả phòng, chống dịch hiện nay.
WHO đã ban hành hướng dẫn mới, gồm 6 tiêu chí, cho các quốc gia để thực hiện nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên tình hình thực tế của từng quốc gia.
Bên cạnh đó, Trưởng đại diện WHO cũng nêu 2 hướng dẫn mới hữu dụng và phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện tại, cụ thể là những biện pháp y tế công cộng và xã hội tại môi trường làm việc trong bối cảnh dịch Covid-19.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải hết sức cảnh giác và lưu tâm đến tất cả các khuyến nghị để đảm bảo chúng ta quay lại tình trạng bình thường mới trong tâm thế chủ động phòng, chống dịch. Kể cả với môi trường công sở khi chúng ta cho rằng nguy cơ lây lan thấp, chúng ta khuyến nghị thực hiện tối đa các biện pháp dự phòng như rửa tay, giữ khoảng cách…”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam ông Kidong Park nhấn mạnh.
Theo ông Kidong Park, trong tình trạng “bình thường mới” chúng ta phải chuẩn bị về tâm thế, tâm lý, cũng như cách suy nghĩ và hành động để phù hợp với bối cảnh chung sống với dịch bệnh. Hệ thống y tế cần được đầu tư, công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng ứng phó nếu có ca bệnh mới hay làn sóng bùng phát dịch mới. Nhất là khi câu chuyện về vaccine hay thuốc đặc trị Covid-19 có thể sẽ mất 1-2 năm mới có câu trả lời.
WHO mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm
Ông Kidong Park cho biết, các chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp vài ngày trước đây với các chuyên viên Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý ca bệnh Covid-19. Trong đó, có chiến lược xét nghiệm của Việt Nam và có liên quan đến ca bệnh tại Hà Nam (BN 251). Theo đó, hai bên đã cùng rà soát lại quá trình nhập viện điều trị của BN 251, các xét nghiệm của ca bệnh này, với 6 liên lần âm tính với virus SARS-CoV-2, cũng như các biểu hiện lâm sàng và thời điểm ra viện. WHO tin tưởng các nhận định và kết quả hội chẩn chuyên môn của phía Việt Nam về ca bệnh này.
“Sự tin tưởng của WHO với Việt Nam có được từ cả một quá trình làm việc lâu dài với các đối tác của Việt Nam. Tôi đã rất ngạc nhiên với ứng phó của Việt Nam trong từng giai đoạn của dịch bệnh. Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, việc áp dụng công nghệ thông tin cũng rất nhanh nhạy và hiệu quả. Thông tin chia sẻ từ Việt Nam cũng rất minh bạch kịp thời. Đặc biệt, năng lực của Việt Nam rất tốt khi nghiên cứu phát triển vaccine”, ông Kidong Park khẳng định.
WHO cam kết làm việc chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam trong công tác ứng phó dịch Covid-19, tiếp tục chia sẻ thông tin và những cập nhật kỹ thuật mới nhất. Đồng thời, WHO mong muốn học hỏi các biện pháp phòng, chống dịch sáng tạo của Việt Nam để chia sẻ với các nước thành viên và bạn bè quốc tế.WHO cam kết làm việc chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam trong công tác ứng phó dịch Covid-19, tiếp tục chia sẻ thông tin và những cập nhật kỹ thuật mới nhất. Đồng thời, WHO mong muốn học hỏi các biện pháp phòng, chống dịch sáng tạo của Việt Nam để chia sẻ với các nước thành viên và bạn bè quốc tế.
Theo các chuyên gia y tế quốc tế, đã có trường hợp người lành mang mầm bệnh và không có triệu chứng có thể truyền bệnh cho người khác. Do đó, việc lây bệnh trong cộng đồng vẫn là một mối nguy cơ, quan ngại trong vài tháng, thậm chí vài năm nữa. Do đó, cần tăng cường nỗ lực giám sát các căn bệnh đường hô hấp, hội chứng giống cúm, bệnh đường hô hấp hay các trường hợp nhập viện do viêm phổi… để sớm phát hiện ca bệnh, thậm chí là các ca bệnh không có mối liên hệ dịch tễ với các ca bệnh đã được xác định. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, dịch Covid-19 vẫn còn tại nhiều nước trên thế giới, do vậy, cần tăng cường giám sát các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 nhất trí với nhận định của WHO về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp và nguy cơ bệnh xâm nhập từ bên ngoài còn rất lớn.
Phía Việt Nam khẳng định phải “bao đê cho chặt”, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… phải luôn ở trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục nghiên cứu thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.
Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hàng ngày… trên tinh thần dịch vẫn còn kéo dài./.
(vov.vn)