Chủ Nhật, 15/12/2024
Diễn biến dịch Covid-19 và kiến nghị chín nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam
Ảnh minh họa

Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Đến ngày 11-6, Việt Nam có 332 người nhiễm Covid-19, chưa có người chết, đứng thứ 154 trong 213 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về số ca nhiễm; đứng thứ 6 trong 10 quốc gia về số ca nhiễm trong cộng đồng ASEAN. Nếu đánh giá quốc gia an toàn về dịch trong trạng thái bình thường mới bằng tiêu chí không quá 10 người nhiễm đang điều trị/1 triệu dân thì Việt Nam (dân số khoảng 97 triệu người) chưa bao giờ đạt ngưỡng 970 người đang điều trị và chỉ là một quốc gia có lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ngày 30-3, Việt Nam chuyển giai đoạn chống dịch khi chỉ có 1,8 người nhiễm đang điều trị/1 triệu dân, sau đó giảm dần, khi chỉ còn 11 người đang điều trị (ngày 11-6). Số ca nhiễm được ghi nhận hiện nay chủ yếu từ số người nước ngoài về được cách ly tập trung.

Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt số người từ nước ngoài nhập cảnh về, phát hiện và cách ly kịp thời các đối tượng đã bị nhiễm Covid-19, thì Việt Nam hoàn toàn có thể giữ số người nhiễm đang điều trị ở các bệnh viện không quá 970 người (10 người trên 1 triệu dân), tức Việt Nam chỉ là một nước có ca nhiễm Covid-19, song không có dịch, an toàn về dịch Covid-19, đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong suốt thời gian qua, lúc cao nhất ở Việt Nam chỉ có 178 người nhiễm phải điều trị ở các bệnh viện.

Những dự báo về khả năng đầu tư nước ngoài, thương mại, du lịch

Trong 10 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác đầu tư chiếm tổng cộng khoảng 90% giá trị đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2019, có tám quốc gia, vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn chống dịch từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020 gồm Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) và Thái-lan. Trong đó, có năm quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Thái-lan và Quần đảo Virgin thuộc Anh; hai quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6-2020 là Hàn Quốc và Nhật Bản; hai quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Xin-ga-po và Hà Lan. Có một quốc gia chưa biết chuyển giai đoạn chống dịch vào lúc nào là Hà Lan do không công bố số người nhiễm đang điều trị. Có một quốc gia không có trường hợp nhiễm Covid-19 là Samoa.

Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 8/10 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là nước an toàn về dịch Covid-19 và có thể xúc tiến đầu tư lại vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa, Thái-lan và dự báo năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài có thể phục hồi, đạt khoảng 70% tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019. Điều này ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 và 2022.

Trong 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác thương mại lớn nhất (chiếm khoảng 80% tổng giá trị thương mại của Việt Nam), có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn chống dịch từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Đức, Hồng Công (Trung Quốc), Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po. Trong đó, bốn quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Công (Trung Quốc); bốn quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6-2020 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Ô-xtrây-li-a; có hai quốc gia đã chuyển giai đoạn nhưng chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Có 4 trong số 14 quốc gia chưa chuyển giai đoạn là Mỹ; Ấn Độ; In-đô-nê-xi-a; Hà Lan. Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 8 trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ an toàn dịch Covid-19 và có thể phục hồi thương mại hai chiều với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hồng Công (Trung Quốc), Ô-xtrây-li-a và dự báo trong năm 2020, tổng giá trị thương mại có thể phục hồi sẽ bằng khoảng 85% tổng giá trị thương mại tại Việt Nam năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

Diễn biến dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành du lịch của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong tám quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác du lịch quốc tế lớn nhất chiếm khoảng 80% số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã có sáu quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển giai đoạn chống dịch từ tháng 2-2020 đến tháng 4-2020 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Trong đó, ba quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái-lan; hai quốc gia dự kiến đạt được ngưỡng an toàn trong tháng 6-2020 là Hàn Quốc và Nhật Bản; một quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Ma-lai-xi-a. Có hai trong số tám quốc gia chưa chuyển giai đoạn chống dịch là Mỹ và Nga. Có thể dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có năm trong số tám quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ là nước an toàn dịch Covid-19 và có thể phục hồi khách du lịch đến Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái-lan và dự báo trong năm 2020, số lượng khách du lịch quốc tế có thể phục hồi bằng khoảng 40% (hơn 7 triệu khách) tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động, doanh thu của ngành du lịch Việt Nam và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

Trong 10 quốc gia là thành viên ASEAN, có tám quốc gia đã chuyển giai đoạn chống dịch từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2020 gồm Cam-pu-chia, Bru-nây, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Lào, Mi-an-ma và Xin-ga-po. Có 6 trong số 10 quốc gia đã đạt ngưỡng an toàn dịch là Cam-pu-chia, Bru-nây, Việt Nam, Thái-lan, Lào và Mi-an-ma; hai quốc gia chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Đáng chú ý, bốn nước (Việt Nam, Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia) tuy có lây nhiễm Covid-19, song tỷ lệ người nhiễm, điều trị ở bệnh viện chưa bao giờ vượt quá sáu người/1 triệu dân. Như vậy, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể phối hợp với các nước tiến hành các hoạt động chung tại sáu nước: Cam-pu-chia, Bru-nây, Việt Nam, Thái-lan, Lào và Mi-an-ma từ tháng 6-2020. Đại biểu từ các nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin khi tham gia các hoạt động trên cần được kiểm tra tình trạng sức khỏe, bảo đảm không bị nhiễm, trước khi tham dự các hoạt động chung.

Đề xuất chín nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, ổn định xã hội

Qua dự báo nêu trên có thể thấy các ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021 và xuất hiện các thời cơ như sau:

Do dịch ở các nước trên thế giới, trong 17 nước là đối tác kinh tế và du lịch quan trọng nhất của Việt Nam (chiếm 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về du lịch nước ngoài), có 16 nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu, khả năng xuất khẩu và khả năng người dân đi du lịch nước ngoài ở các nước này giảm mạnh so với năm 2019, khi nào các nước này chưa trở lại trạng thái bình thường mới và là nước an toàn dịch Covid-19. Trong 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất này, có 10 đối tác sẽ an toàn dịch vào tháng 6 đến tháng 8 năm 2020 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái-lan, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Đức, Ô-xtrây-li-a, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Samoa). 7 nước thuộc nhóm 17 nước là đối tác kinh tế quan trọng nhất mà hiện nay họ chưa trở lại trạng thái bình thường mới, chưa an toàn dịch (Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mỹ, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Hà Lan và Nga), cần theo dõi chặt chẽ kết quả chống dịch Covid-19 của họ, để khi họ là nước an toàn dịch, ta phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch với họ được sớm nhất và thận trọng, an toàn dịch. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch khẩn trương để phối hợp với từng nước: chuẩn bị, khuyến khích phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại hai chiều và du lịch một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng nước. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát huy vai trò tích cực của quan hệ kinh tế với nước ngoài của Việt Nam, biến dự báo phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch nêu trên thành hiện thực và có thể cải thiện hơn.

Qua phân tích và dự báo bước đầu ở trên, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 và năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh (ngày 14-4-2020, IMF dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 tăng khoảng 2,7%). Do nhu cầu nhập khẩu của thế giới, của các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam giảm đáng kể năm 2020 và đầu năm 2021, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu không thể sử dụng hết năng lực sản xuất đã đầu tư phải tạm ngưng sản xuất, thậm chí đóng cửa, thu nhập của người lao động sẽ giảm và một bộ phận lao động sẽ không có việc làm kéo dài. Khi thu nhập của người lao động khu vực sản xuất xuất khẩu và du lịch giảm mạnh, thì sức mua của họ với hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước cũng giảm, từ đó các đơn vị sản xuất và dịch vụ trong nước cũng không thể phục hồi như trước khi có dịch Covid-19 toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoặc đóng cửa. Như vậy áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp và bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động sẽ lớn, đòi hỏi phải có nguồn chi lớn cho mục đích này trong khi nguồn thu ngân sách lại giảm.

Việc giảm nhập khẩu một số nguyên liệu, vật tư cần cho sản xuất trong nước, do các cơ sở sản xuất nước ngoài phải dừng khi nước này còn dịch, thì đây là cơ hội cho phát triển các cơ sở sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu này. Về lâu dài sẽ làm cho kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn, tăng chuỗi giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Thu nhập của lao động trong nước và nước ngoài giảm trong năm 2020 - 2021, dẫn đến áp lực cung cấp các giải pháp cho sản xuất và dịch vụ có chi phí thấp hơn sẽ tăng, để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể cạnh tranh thắng lợi. Đây là cơ hội để các giải pháp sản xuất, dịch vụ áp dụng các công nghệ 4.0 phát triển và cơ hội để đưa ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới. Do đó, ngay trong giai đoạn hiện nay, 2020 - 2021, cần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị các giải pháp và sản phẩm để người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường trong nước và quốc tế với tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025.

Từ các nhận định trên và kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, xin đề xuất chín nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội 2020 - 2021 như sau:

1. Hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp và người lao động để cuối năm 2020, số doanh nghiệp phải phá sản không quá 15% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động tháng 12-2019 (các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào).

2. Có kế hoạch cụ thể, thiết thực với từng nước từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2021 để tận dụng cơ hội phục hồi đầu tư nước ngoài, xuất, nhập khẩu và du lịch nước ngoài của 17 nước là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

3. Khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu với lợi thế về nhân lực (chi phí lao động không cao, chất lượng lao động được nâng cao) và công nghệ 4.0 do người Việt Nam tạo ra.

4. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành phong trào “Khởi nghiệp sáng tạo - cơ hội cho Việt Nam phát triển 2021 - 2025 - 2030”.

5. Thay đổi cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát huy cao nhất tác dụng của đầu tư công và đầu tư tư nhân.

6. Triển khai chương trình quốc gia “Số hóa tài nguyên kinh tế và hạ tầng xã hội Việt Nam 2020 - 2023” làm cơ sở chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế sang kinh tế số từ năm 2024.

7. Triển khai Cuộc vận động toàn xã hội “Tiết kiệm để phát triển sản xuất và ổn định xã hội 2020 - 2021”.

8. Giám sát chặt chẽ các thị trường và chi ngân sách, kiềm chế, giữ vững lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội.

9. Phát huy truyền thống văn hóa của Việt Nam - Nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ, hợp tác để mọi người nghèo, thu nhập thấp được hỗ trợ, không để người dân, gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất