Thứ Năm, 16/1/2025
Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19


Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đối với dịch Covid-19, chúng ta đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch và đã sớm kích hoạt hệ thống phòng bệnh quốc gia kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực lực của đất nước.

Những phương châm, thông điệp chỉ đạo tương đối rõ ràng và hệ thống. Chúng ta đã phát động được công cuộc phòng, chống dịch với “mỗi gia đình thực sự là một pháo đài, mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ”, tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, không để mầm bệnh lan rộng, kéo dài, được phát huy.

Thủ tướng cho rằng, những chủ trương mới mà thế giới chưa vận dụng chúng ta đã triển khai như cách ly tập trung, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa khi cần thiết, phương châm “bốn tại chỗ”, xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, đặc biệt là hệ thống chính trị vào cuộc với những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện. Cùng với đó là những biện pháp mà chúng ta chưa từng làm trước kia trong chống dịch, như: thành lập sở chỉ huy tiền phương, tăng cường cán bộ y tế và quyết liệt chống dịch nhưng không đóng cửa…

Chúng ta đã chứng kiến sự vượt khó, nỗ lực của nhân dân, những tấm lòng hảo tâm, nhân ái trong xã hội. Tất cả những điều đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của một đất nước, một dân tộc để chúng ta vượt qua thách thức, giành thắng lợi trên các mặt trận, cả kinh tế và y tế. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, hệ thống chính trị của nước ta, trong đó có vai trò của y tế công.

Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến tại cuộc họp đều nhận định rằng, cuộc chiến này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm. Không được chủ quan trước dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biến thể mới mà nhiều nước hiện nay, kể cả nước châu Á và các nước ASEAN đang gặp phải.

Nêu một số bài học để vận dụng không chỉ trong công tác chỉ đạo chống dịch mà còn liên quan các nhiệm vụ khác, Thủ tướng cho rằng, thứ nhất là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự mẫn cán, trách nhiệm, tận tụy quên mình để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành y tế, các lực lượng vũ trang. Nhất là sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp chính quyền địa phương, nhất là các đồng chí ở xã, thôn, bản, ấp, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an cơ sở, khu phố rất vất vả trong quản lý cách ly.

Thứ hai, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực, đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội.

Thứ ba là, xây dựng, vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể trong xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, chúng ta là một đất nước dân chủ, việc công khai, minh bạch trong phòng, chống dịch bệnh, vai trò của công tác truyền thông trong cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội để người dân biết, kiểm tra, trao đổi, giám sát rất quan trọng.

Thứ năm là, chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, sẽ nâng uy tín và vị thế của Việt Nam.

Dịch bệnh thế giới suy giảm, tiêm chủng được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia và đang được triển khai khẩn trương tại nước ta theo lộ trình. Tuy nhiên, chủng virus mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời, chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

“Đây là một yêu cầu rất khó điều hành, xử lý. Chúng ta phải khéo léo, kịp thời”, Thủ tướng nói. Khi khó khăn chúng ta bình tĩnh, khi có dịch bệnh thì kiên quyết.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với Covid-19.

“Chúng ta hiểu rằng một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Không phải chúng ta chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm. Chúng ta tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cho biết đã nhận được khuyến cáo của Hội đồng tư vấn du lịch, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao nghiên cứu đề xuất của Hội đồng và kinh nghiệm các nước để đề xuất rõ hơn với Chính phủ trong điều hành.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm "bốn tại chỗ". Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch, quán triệt phương châm “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, xã hội.

Đối với Bộ Y tế, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, duy trì chấp hành nghiêm kỷ luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế.

Cơ quan báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Dân vận Trung ương, MTTQ Việt Nam, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần “lúc khó thì bình tĩnh, lúc tốt không mất cảnh giác”.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất