Thứ Bảy, 14/12/2024
Đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 an toàn
Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 và Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 để huy động tối đa các nguồn lực triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân.

Đợt tiêm chủng đầu tiên cho cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu đã được triển khai cho hơn 45.000 người. Trong thời gian tới, vắc xin COVID-19 sẽ được triển khai tiêm trên quy mô rộng hơn, cho nhiều đối tượng tiêm hơn, việc đảm bảo an toàn cho người được tiêm là vô cùng cần thiết.

Để tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và đạt tỷ lệ cao, Bộ Y tế chỉ thị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng để triển khai tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ; huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vắc xin COVID-19.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng để đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm chủng, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm cả phản ứng phản vệ.

Xử lý kịp thời khi có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng bố trí đầy đủ trang thiết bị, cử cán bộ đầu mối thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng để xử lý kịp thời khi có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Yêu cầu các điểm tiêm chủng niêm yết số điện thoại của đơn vị để người dân liên hệ khi cần thiết.

Tham mưu chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19: Các nhóm đối tượng ưu tiên, thông tin về loại vắc xin, lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Đề xuất các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng ngoài y tế trên địa bàn tham gia phối hợp, vận động đối tượng thuộc diện tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân để thực hiện đăng ký, quản lý đối tượng, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng, báo cáo kết quả tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí thường trực cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng tại đơn vị và tổ chức các đội hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn. Tiếp nhận, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng khi có yêu cầu.

Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị, bộ, ngành về việc tổ chức, thực hiện tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19, giám sát chặt chẽ, tổng hợp kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương và đề xuất các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Phối hợp với cơ quan truyền thông để triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động về tiêm vắc xin COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các Vụ, Cục thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022, đảm bảo chất lượng vắc xin, thực hiện tiêm chủng an toàn, xử trí kịp thời và hiệu quả các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Cung cấp thông tin về các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan thông tấn, báo chí; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện truyền thông, vận động để người dân tham gia tiêm chủng.

PV.

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất