Thứ Tư, 15/1/2025
Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên họp ngày 11/6/2021, sau khi nghe đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị kết luận:

1. Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt "chống dịch như chống giặc," kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã huy động được sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đến nay, dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp song cơ bản được kiểm soát, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phòng, chống dịch hiệu quả trên thế giới. Kinh tế-xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh; các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra an toàn, thành công rất tốt đẹp.

2. Bộ Chính trị đánh giá cao nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chung tay góp sức trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế; biểu dương sự chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng y, bác sỹ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch... đã có nhiều việc làm sáng tạo, hiệu quả để kiềm chế, đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh; duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội; chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng có dịch; đã bước đầu tháo gỡ một số cơ chế về nghiên cứu, sản xuất, mua và tiêm vaccine, thành lập "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID-19 tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân.

Đáng chú ý còn có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của một số cấp uỷ, chính quyền và một bộ phận người dân trong công tác phòng, chống dịch; một số cơ quan, đơn vị thể hiện sự bị động, lúng túng, thiếu bản lĩnh, ứng phó chưa kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh...

3. Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép," chăm lo đời sống nhân dân, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

3.1. Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc."

Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

3.2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất.

Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang.

Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.

Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

3.3. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine ngừa COVID-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vaccine cho trẻ em.

Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine.

3.4. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, đưa người về nước, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch.

3.5. Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vaccine, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

3.6. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Kết luận này phổ biến đến chi bộ.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

 

Võ Văn Thưởng

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất