Thứ Năm, 16/1/2025
Khi người dân thực sự làm chủ…

Theo giới thiệu của cán bộ Đảng ủy xã Xuân Quang, chúng tôi tới thôn Làng Bạc để tham quan, thực tế mô hình vận động nhân dân xây dựng tuyến đường văn minh. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Bí thư Chi bộ thôn Làng Bạc cho biết: Mô hình xây dựng trên Quốc lộ 4E, đoạn qua địa phận thôn với chiều dài khoảng 1 km. Để thực hiện, Chi bộ thôn Làng Bạc đã đề xuất với Đảng ủy xã thành lập Ban quản lý mô hình, sau đó chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ dân có nhà sát quốc lộ tháo dỡ mái che, mái vẩy, không tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, treo biển quảng cáo, lấn chiếm lề đường để buôn bán gây cản trở giao thông và ảnh hưởng mỹ quan tuyến đường. Tiếp đó, thôn còn vận động nhân dân góp tiền xây dựng đường điện thắp sáng 2 bên đường, tạo thuận lợi trong giao thông về đêm và làm đẹp tuyến đường. Tổng số tiền đóng góp ban đầu của các hộ tham gia là gần 20 triệu đồng, tiền điện mỗi hộ đóng góp khoảng 60 nghìn đồng/năm đầu tiên, đến nay khoảng 100 nghìn đồng/năm. Được biết, chi bộ chỉ đưa ra chủ trương, còn việc bàn bạc cách thức, cơ chế thực hiện, mức đóng góp, đối tượng tham gia mô hình đều do các hộ thống nhất, quyết định. Mô hình tuyến phố văn minh đô thị tại thôn Làng Bạc đến nay đã duy trì được gần 7 năm. Trong thời gian qua đã có những điều chỉnh nhất định về cách thức triển khai, tất cả cũng đều do người dân tự quyết.

Ngoài tuyến phố văn minh đô thị tại Làng Bạc, xã Xuân Quang còn đánh giá cao mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của bà con thôn Nậm Dù và mô hình “Gia đình nông dân văn hóa” của thôn Làng Gạo. Tại thôn Nậm Dù, chi hội phụ nữ được giao trách nhiệm phối hợp với ban công tác mặt trận và các đoàn thể vận động các hộ dân tham gia xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Các mô hình đóng vai trò quan trọng, là hạt nhân trong việc huy động kinh phí để tu sửa nhà văn hóa thôn, công trình thủy lợi... Ông Bùi Đức Kiểm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang cho biết, các mô hình có điểm chung là việc vận động và thực hiện các nội dung đều công khai, minh bạch, dân chủ trên cơ sở người dân tự bàn bạc, thống nhất và quyết định.

Các nội dung của Pháp lệnh số 34, nội dung công việc của địa phương đều được xã Xuân Quang công khai niêm yết tại trụ sở xã. Đó là quy định các khoản thu nộp quỹ, chương trình phát triển, dự án đầu tư, kết quả đóng góp của nhân dân... Tất cả đều được xã thông báo công khai trên loa truyền thanh và niêm yết tại nhà văn hóa thôn. Về công tác lãnh đạo, hằng năm, Đảng ủy xã Xuân Quang đều có nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.  Năm 2018, Đảng ủy xã ban hành Chương trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với yêu cầu đề ra là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch của Đảng bộ huyện, xã; triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, quyền và nghĩa vụ của từng cá nhân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó tạo điều kiện để nhân dân có trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực.

Trao đổi về công tác triển khai Pháp lệnh số 34, đồng chí Nông Thị Nhi, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Thắng cho biết: Trong những năm gần đây, cấp ủy đảng, chính quyền huyện luôn coi việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Hằng năm, Huyện ủy đều ban hành các văn bản thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Theo đánh giá của cơ quan thường trực thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Bảo Thắng, việc triển khai sâu rộng Pháp lệnh số 34 đã phát huy quyền làm chủ, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Các xã, thị trấn đều có lịch tiếp công dân niêm yết tại trụ sở; chủ tịch UBND các xã, thị trấn luôn duy trì lịch tiếp công dân và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các địa phương cũng xây dựng kế hoạch hằng năm và thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân khi có yêu cầu, thông qua đó kịp thời nắm bắt những bức xúc và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời, dứt điểm. Theo thống kê của huyện, từ năm 2016 đến hết quý I năm 2018, các cấp, các ngành của huyện Bảo Thắng đã tiếp 454 lượt công dân kiến nghị, phản ánh, khiếu nại và tố cáo (trong đó phần lớn ở cấp xã, thị trấn), trong đó có đến 94% số đơn thư, kiến nghị được giải quyết dứt điểm trong thời gian quy định.

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và các lĩnh vực chính trị, đời sống xã hội. Tại huyện Bảo Thắng, việc đẩy mạnh quyền làm chủ của người dân theo tinh thần Pháp lệnh số 34 đã tạo nên luồng sinh khí mới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Điều đó cũng là lý do để huyện Bảo Thắng tiếp tục đề ra những giải pháp đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Cao Cường/Báo Lào Cai điện tử

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi