Đó là chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong buổi làm việc của đoàn kiểm tra số 1 với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tổ chức chiều 22/11 tại Đà Nẵng.
Báo cáo tự kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng trong thời gian từ 01/01/2013 đến 30/9/2018 cho biết, tổng số vụ án thụ lý trong công tác thu hồi tài sản giai đoạn điều tra là 28 vụ (09 vụ liên quan đến hành vi tham nhũng, 19 vụ liên quan đến tội phạm kinh tế), tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ hoặc kê biên, phong tỏa là 7,648 tỷ đồng và 02 nhà đất cùng nhiều tài sản khác; tổng số vụ án thụ lý trong công tác thu hồi tài sản giai đoạn xét xử là 23 vụ (07 vụ - 21 bị cáo về nhóm tội tham nhũng, 16 vụ - 55 bị cáo về nhóm tội kinh tế), tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa là 69,267 tỷ và một số tài sản khác; tổng số bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế trong công tác thu hồi tài sản giai đoạn thi hành án dân sự là 30 vụ với tổng số tiền thu hồi theo bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế của Tòa án Nhân dân các cấp là 3.966 tỷ.
Tổng số việc, số tiền đã thi hành xong là 36 việc với khoảng 4,127 tỷ (số tiền thực thu xong là 3,73 tỷ, số tiền đã miễn giảm là 396,7 triệu đồng), đạt tỷ lệ 82% so với số việc có điều kiện thi hành; 0,1% so với số tiền có điều kiện thi hành. Tỷ lệ này thấp là do vụ án Phạm Công Danh hiện nay chưa thu hồi được số tiền khoảng 3.946 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị xét giảm nghĩa vụ thi hành án cho 02 trường hợp là ông Cao Văn Tuấn (quận Sơn Trà) và ông Trần Kỳ Phương (quận Hải Châu).
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan, không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến kết quả giải quyết xử lý vi phạm pháp luật trong công tác thu hồi tài sản.
Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố cũng đặc biệt quan tâm đối với những vụ viêc có khó khăn, phức tạp. Định kỳ hàng quý, Ban chỉ đạo tổ chức họp để nắm tình hình kết quả, từ đó có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh. Nhờ đó, trong thời gian, qua trên địa bàn Đà Nẵng chưa để xảy ra mất an ninh trật tự liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Đánh giá chung công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực; số việc, số tiền thi hành án năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, giảm đáng kể lượng án chuyển kỳ sau, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn có vụ việc kéo dài chưa xử lý dứt điểm, một số vụ ủy thác đến số lượng tiền lớn hàng nghìn tỷ, ảnh hưởng khá nhiều đến tỷ lệ thi hành án của Đà Nẵng.
Mặc dù các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo song công tác thu hồi tài sản tham nhũng là do quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; trong Bộ luật Hình sự còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng “ẩn nấp” như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn, gây khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng. Cùng với đó, người phải thi hành án có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, luôn tìm mọi cách để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nên việc thi hành án thường kéo dài.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Trung ương cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; quy định bắt buộc xử lý tội phạm tham nhũng phải áp dụng hình phạt bổ sung nhằm thu hồi đủ giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; bổ sung quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật cũng phải thực hiện nghĩa vụ trên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 192-KH/BCĐTW ngày 04/9/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nội dung báo cáo tự kiểm tra cơ bản bám sát đề cương với việc nêu các phương hướng, giải pháp thu hồi, cũng như có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương.
Ghi nhận nỗ lực, sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Ban Nội chính Thành ủy cùng với các đơn vị liên ngành khác làm tốt vai trò cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho đoàn công tác về vụ án Phạm Công Danh, đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị Đà Nẵng tổng hợp đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện báo cáo tự kiểm tra gửi Trung ương trước ngày 30/11/2018, riêng hồ sơ tài liệu phục vụ cho đoàn kiểm tra phải cung cấp trước ngày 25/11/2018.
“Tài sản cần thu hồi sắp tới ở Đà Nẵng là cực kỳ lớn. Đặc biệt là vụ án liên quan Phạm Công Danh và Phan Văn Anh Vũ. Đây là tài sản của Nhà nước, mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó phải nỗ lực thu hồi bằng được”, đồng chí nhấn mạnh.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy cùng với Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố cần tiếp tục tập trung quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW với tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; giữ trong sạch thanh danh và lương tâm của cán bộ, đảng viên; đồng thời không ngừng củng cố hệ thống chính trị, có cơ chế chính sách công khai, minh bạch trong cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng chí khẳng định làm tốt công tác này sẽ giúp đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng trong thời gian tới, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân./.
Anh Tuấn/dangcongsan.vn