Năm 2015 được xác định là năm: “Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chương trình xây
dựng nông thôn mới và phục vụ thành công Đại hội Đảng các cấp trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Do vậy ngay từ đầu năm, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến
cơ sở đã chú trọng đến việc triển khai và thực hiện Quy chế dân chủ (
QCDC) ở cơ sở.
Các cấp ủy đảng đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ
thực hiện QCDC vào chương trình công tác của cấp ủy, đồng thời, quan tâm
kiện toàn Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở, xây dựng chương trình, kế hoạch
hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó, quan tâm đến việc đề ra các giải
pháp thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện
QCDC ở cơ sở. Thời gian qua, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh
đã tiến hành 9 cuộc giám sát, nội dung giám sát tình hình xử lý nợ đọng
xây dựng cơ bản của tỉnh, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản
lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường chống buôn lậu, hàng
giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc đã làm
tốt công tác tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân,
vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các chương trình phát triển kinh
tế - xã hội; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các
phong trào thi đua yêu nước; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc;
các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu
dân cư” gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới; tổ chức lấy ý kiến
các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại
biểu Đảng bộ các cấp; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát năm 2015
và tổ chức thực hiện, phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua
hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và
tổ hòa giải ở cơ sở. MTTQ cấp huyện và cơ sở đã chủ động xây dựng kế
hoạch và tổ chức trên 180 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp
luật, quy trình và tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa
phương. Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp,
Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh tổ chức 241 cuộc tiếp xúc của
đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với gần 14 nghìn lượt cử tri, có trên
2.200 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về việc thực chế độ
chính sách, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao thông nông thôn …
Với
sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ
sở đạt được nhiều kết quả đáng kể. Trong quá trình thực hiện QCDC ở xã,
phường, thị trấn cấp ủy, chính quyền cơ sở đã coi đây là nhiệm vụ chính
trị quan trọng và tổ chức thực hiện đi vào nề nếp, có chiều sâu như
thực hiện dân chủ ở cơ sở trong trong Đại hội ở các xã, phường, thị trấn
được thực hiện nghiêm túc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các
hội nghị cho đoàn viên, hội viên đóng góp vào Dự thảo báo cáo chính
trị, nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn trong công tác lãnh đạo của cấp
ủy, cũng như điều hành của chính quyền, nhất là góp ý vào nhiệm vụ phát
triển kinh tế, xã hội nhiệm kỳ 2015- 2020. Những nội dung cơ bản của
Pháp lệnh số 34 được thực hiện nghiêm túc trên địa bàn xã, phường, thị
trấn; những nội dung nhân dân được biết, được bàn, được tham gia kiểm
tra, giám sát được nhiều và cụ thể hơn. Nhiều xã, phường, thị trấn làm
khá tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các chương trình, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều được đưa ra lấy ý kiến đóng góp
của nhân dân hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể và các hội quần chúng,
tạo điều kiện để nhân dân nắm được các chủ trương, chính sách mới của
Đảng, Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tổ chức thực
hiện; cùng với chính quyền địa phương bàn và quyết định nhiều vấn đề
quan trọng, thiết thực ở cơ sở, tham gia giám sát các hoạt động của
chính quyền cơ sở. Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tác động tích cực
tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đã huy động được người
dân tích cực tham gia, hưởng ứng, nhất là chương trình xây dựng nông
thôn mới.
Trong các cơ quan, đơn vị
việc thực hiện QCDC gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ
quan. Những quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác thi
đua khen thưởng; kế hoạch công tác năm; dự toán kinh phí năm được thông
báo công khai trong nội bộ cơ quan. Dân chủ trong quan hệ và giải quyết
công việc với công dân được các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt như niêm
yết công khai các thủ tục hành chính, trình tự giải quyết các thủ tục và
tích cực rút ngắn thời gian giải quyết. Công tác cải cách thủ tục hành
chính (TTHC) và ban hành, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được
thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Hiện nay, công tác cải cách TTHC
theo cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì ở cả 3 cấp, 20 sở, ngành; 9
UBND huyện, thành, thị và 137 xã, phường, thị trấn. Tính đến nay,
tổng số bộ TTHC của cơ quan hành chính các cấp được UBND tỉnh
công bố đang thực hiện là 1.363 TTHC (trong đó cấp tỉnh 1.053,
cấp huyện 166, cấp xã 144 TTHC). Bên cạnh đó, chế độ tiếp công dân và
tiếp nhận, giải quyết dứt điểm, kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của
công dân đã và đang được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, góp phần đảm bảo
an ninh trật tự, ổn định tình hình, tạo điều kiện phát triển kinh tế -
xã hội ở địa phương.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn/ Hoàng Nga, ngày 14/8/2015