Mấy năm gần đây, Đông Phương là đơn vị có các phong trào nằm trong tốp
đầu của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đạt được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền
địa phương đã thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó phát
huy sức mạnh đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính
trị.
|
Đông Phương hôm nay
|
Về
Đông Phương, chúng tôi không chỉ ấn tượng với diện mạo nông thôn mới
khang trang mà còn ấn tượng với phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ
nơi đây. Có người dân dự định mua máy gặt đập cỡ lớn muốn tìm hiểu thêm
về cơ chế hỗ trợ của cấp trên và cách làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ nên
đã gặp cán bộ UBND xã để tìm hiểu. Với thái độ rất thân thiện, cán bộ xã
đã trao đổi, hướng dẫn rất cụ thể cho người dân, phải làm giấy tờ gì,
gặp ai, thứ tự các bước tiến hành. Khi một đảng viên cao tuổi đến phản
ánh về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đất đai cán bộ xã
lắng nghe và trao đổi lại rất thẳng thắn, chân tình, không khí cởi mở,
thân thiện và dân chủ. Được biết, bên cạnh việc làm tốt khâu tiếp dân,
chính quyền địa phương còn thường xuyên gặp mặt, đối thoại, lấy ý kiến
nhân dân. Mỗi năm một lần, đại diện lãnh đạo chính quyền xã đều gặp mặt
trưng cầu ý kiến các cán bộ hưu về các lĩnh vực, nhất là trong việc tổ
chức chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và đội
ngũ cán bộ thôn, xã; tổ chức lấy ý kiến trực tiếp về các lĩnh vực nhạy
cảm mà địa phương đang thực hiện như: tài chính ngân sách, quản lý đất
đai, xây dựng cơ bản, vai trò điều hành của chính quyền, từ đó có biện
pháp điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Mỗi năm ít nhất một lần sau khai
giảng, lãnh đạo UBND xã và hiệu trưởng các trường học trên địa bàn lần
lượt tổ chức hội nghị toàn thể phụ huynh học sinh để triển khai nhiệm vụ
năm học mới; trực tiếp đối thoại với phụ huynh nhằm giải quyết những
tồn tại của năm học cũ; công khai các khoản thu, đóng góp; cơ sở xây
dựng mức thu, chi để phụ huynh biết, thảo luận và quyết định.
Trong triển
khai thực hiện các chế độ chính sách cho người có công, đối tượng hưởng
chính sách xã hội, UBND xã đều tổ chức mời đối tượng và thông báo để
những người quan tâm đến dự hội nghị tư vấn. Nội dung triển khai và
những vấn đề hỏi đáp chất vấn đều được tiếp âm công khai trên hệ thống
đài truyền thanh của xã. Có nhiều cuộc xã mời cán bộ huyện về triển khai
hoặc theo dõi việc triển khai thực hiện của xã. Sau khi xã xét duyệt,
danh sách đối tượng dự kiến đề nghị hưởng các chế độ chính sách được
công khai trên hệ thống truyền thanh để chờ ý kiến phản hồi trước khi
chuyển lên cấp trên.
Ngoài ra, tất cả các quy định của địa phương liên
quan đến người dân sau khi xây dựng dự thảo đều được tổ chức lấy ý kiến
nhân dân tham gia nhằm tạo sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện. Cụ
thể như: quy định về bảo vệ hệ thống đường giao thông, dòng chảy; quy
định về bảo vệ môi trường… Các quy định sau khi lấy ý kiến đã thể hiện ý
chí của toàn dân, nhờ vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã
giải tỏa được 5 hộ lấn chiếm hành lang giao thông, dòng chảy làm nhà ở,
mở hàng quán trên đường 217 địa phận do xã quản lý tồn tại từ năm 1976 -
1977; giải quyết và khắc phục việc chăn thả gia súc trong hành lang an
toàn giao thông, trong nghĩa trang và một số việc làm khác khi chưa có
quy định tưởng chừng như không làm được.
Để
xây dựng nông thôn mới bền vững, mục tiêu mà cấp ủy, chính quyền xã
Đông Phương đề ra trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt Quy chế
dân chủ ở cơ sở nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện các
nhiệm vụ chính trị vì sự nghiệp chung của địa phương.
"Đông
Phương thực sự phát huy dân chủ là trong xây dựng nông thôn mới với
tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Người dân địa phương được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập
quy hoạch, đề án. Trong làm đường giao thông, người dân là “chủ thể”,
chính quyền xã chỉ giữ vai trò khảo sát thiết kế và nghiệm thu công
trình. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp và chính quyền địa phương, nhân
dân tại các khu dân cư đã tự vận động đóng góp, tổ chức xây dựng bê tông
hóa tất cả các tuyến đường trong xã theo đúng tiêu chí nông thôn mới.
Để xã nhà cán đích nông thôn mới, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 24
tỷ đồng".
(Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã)
|
Nguồn: baothaibinh.com.vn/ Đào Quyên, ngày 28/8/2015