Thứ Ba, 26/11/2024
MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Giải quyết kịp thời những băn khoăn của nhân dân
 
Giám sát của Ban GSĐTCCĐ đã góp phần ngăn chặn kịp thời
những sai phạm trong đầu tư xây dựng.
 

Một hoạt động nổi bật trong công tác Mặt trận tham gia thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn đó là Ủy ban MTTQ cấp xã đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu và Trưởng thôn (trong các năm 2005 - 2006) theo NĐ 79/2003 và lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND theo Pháp lệnh số 34 (trong các năm 2008 - 2010). 

Trong 2 năm (2005 - 2006) qua tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu, đã có 165 người là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã và 2.304 Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố đã bị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm hoặc điều chuyển công tác do không nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân và Mặt trận cơ sở. 

Trong giai đoạn từ 2008 đến 2010, theo tinh thần Pháp lệnh 34 và Nghị quyết liên tịch số 09 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Kết quả đã có 700 người đạt số tín nhiệm thấp dưới 50%. Đã có nhiều trường hợp bị xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm, bãi nhiệm hoặc chuyển công tác như ở Hải Dương có 1 Chủ tịch HĐND, 1 Chủ tịch UBND chuyển công tác; kiểm điểm rút kinh nghiệm 1 Chủ tịch UBND phường và 1 Phó Chủ tịch HĐND xã, 2 Chủ tịch HĐND xã và 1 Chủ tịch UBND xã cho nghỉ việc…

Cụ thể năm 2010, đã có nhiều trường hợp bị xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm, bãi nhiệm hoặc chuyển công tác như tại Quảng Ngãi có 26 người có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì 8 trường hợp miễn nhiệm, 3 trường hợp kiểm điểm, chuyển công tác, 12 trường hợp kiểm điểm. Tại tỉnh Thái Nguyên, có 22 người có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% không được giới thiệu bầu vào cấp uỷ tại Đại hội Đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn…

Cùng với đó việc giám sát của Mặt trận cũng được tiến hành thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) ở xã, phường, thị trấn, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Hiện nay, toàn quốc có 11.141 Ban TTND/11.146 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 99,98%  trên tổng số xã, phường, thị trấn với 97.720 ủy viên. Tổng số cuộc giám sát từ năm 2010-2015 là 186.232 vụ việc. Số vụ việc kiến nghị xử lý là 24.705, số vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết là 3.451. 

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, qua việc triển khai, thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho thấy đây là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân, nên được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc triển khai thực hiện QCDC đã làm chuyển biến một bước trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy dân chủ xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ở nhiều nơi, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã thực sự đi vào cuộc sống và có tác động trực tiếp trong việc động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, xây dựng Đảng, xây dựng Mặt trận và đoàn thể ngày càng vững mạnh. 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về MTTQ Việt Nam , các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo các Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị để  triển khai có kết quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cùng với đó tăng cường các hoạt động tiếp xúc với nhân dân, nắm bắt diễn biến tư tưởng trong nhân dân, dư luận xã hội, ý kiến của cử tri, phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng và chính quyền. Phối hợp chính quyền giải quyết có hiệu quả ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở.   

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 7/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất