Thứ Sáu, 13/12/2024
Viettel và VinGroup hợp tác phát triển trạm phát sóng 5G “Make in Vietnam”

 


Lễ ký kết là sự kiện nằm trong định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”. Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VinGroup đưa ra kế hoạch trong nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G để tiến tới thương mại hoá thành công trạm phát sóng 5G do chính người Việt làm chủ.

Cụ thể, theo thỏa thuận, Tập đoàn Vingroup chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị vô tuyến (RU) 8T8R; Ăng ten 8T8R; thiết bị Massive MIMO 64T64R (tích hợp cả RU và Ăng ten) – Đây là công nghệ phục vụ cho thu phát sóng 5G. Tập đoàn Viettel nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu (CU-DU); hệ thống mạng lõi 5G; cung cấp dịch vụ 5G và các công nghệ mới như Công nghệ điều khiển bút sóng (Beamforming) và Multi User Massive Mimo – Cung cấp dịch vụ tốc độ cao cho nhiều người dùng.  

Hai bên thống nhất ngay trong tháng 10/2020 sẽ hoàn tất bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho sản phẩm trạm gốc 5G, đồng thời hoàn thành 2 phòng Lab cho mỗi bên. Tháng 11/2020, hai bên sẽ thực hiện cuộc gọi thử nghiệm đầu tiên trên băng tần 3.600 – 3.800 MHz.

Mục tiêu của Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup là thương mại hóa thành công trạm gốc di động 5G gNodeB 8T8R vào ngày 30/6/2021 và trạm gốc di động 5G gNodeB 64T64R vào 30/6/2022 – Đây là trạm có công nghệ phức tạp hơn, hướng đến các khu dân cư tập trung đông người, thành thị. Đây sẽ là những trạm phát sóng 5G chất lượng cao đầu tiên do hai Tập đoàn Công nghệ của Việt Nam cùng hợp tác làm chủ công nghệ được sản xuất và đi vào đời sống.

Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc nghiên cứu, sản xuất được thiết bị hạ tầng viễn thông luôn là khát vọng chảy bỏng của tất cả các thế hệ ngành viễn thông, nhất là các thế hệ lãnh đạo.

Năm 2020, chúng ta có thể tự hào nói rằng, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các thiết bị viễn thông, từ thiết bị người sử dụng tới thiết bị nhà mạng. Việt Nam trở thành một trong số rất ít nước làm được điều này.

Khi hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, khi vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của chuyển đổi số, thì việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng lưới có ý nghĩa quyết định. Vì thế, Việt Nam có thể tự tin thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Người dân Việt Nam có được niềm tin số khi hầu hết các thiết bị viễn thông, hầu hết các sản phẩm thuộc hệ sinh thái an ninh mạng là do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viettel và VinGroup là những thí dụ sinh động để chứng tỏ rằng, người Việt Nam có thể làm được, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được, có thể sáng tạo ra công nghệ Việt, có thể góp phần cho Việt Nam phát triển bứt phá, thay đổi thứ hạng và trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, cả thế giới mới có 4 nước sản xuất được thiết bị 5G. Nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G không phải việc dễ, mà là việc rất khó, cần đến sự hợp lực.

Bộ trưởng yêu cầu VinGroup cần tập trung vào làm phần vô tuyến. Viettel sẽ tập trung vào làm phần xử lý tín hiệu gốc, mạng lõi và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Thiết bị của hai tập đoàn này phải hướng tới thị trường toàn cầu, hướng tới công nghệ mở để đảm bảo an ninh mạng cho 5G. Vì đó là cách duy nhất để có thể kiểm soát an ninh mạng và tạo ra con đường niềm tin số toàn cầu.

Năm 2020, Việt Nam chính thức thử nghiệm thương mại 5G tại một số thành phố lớn để người dân có thể sử dụng. Như vậy, Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Năm 2021 sẽ là năm thương mại hoá diện rộng. Đây là cách tiếp cận theo pha của Việt Nam về phát triển 5G. “Viettel và VinGroup phải đảm bảo rằng thiết bị của mình sẵn sàng theo các pha này. Khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, khát vọng đóng góp cho sự phát triển của nhân loại sẽ là nguồn năng lượng vô hạn cho sự sáng tạo công nghệ và sớm trở thành nước phát triển phồn vinh hạnh phúc vào năm 2045 khi Việt Nam mới tròn 100 tuổi” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, sự hợp tác giữa Viettel và VinGroup lần này khẳng định được tiềm năng của các Tập đoàn Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm để đưa vào triển khai thực tế thiết bị trạm gốc 5G, cung cấp ra thị trường những dịch vụ 5G tốt nhất, hiện đại cho người Việt .

Hai doanh nghiệp cam kết cùng dành nguồn lực tốt nhất đảm bảo dự án thành công với mục tiêu 6/2021 sẽ sẵn sàng thương mại hoá phiên bản Macro 8T8R và tháng 6/2022 hoàn thành và sẵn sàng thương mại hoá phiên bản Trạm 5G Macro 64T64R . Song song với đó trong năm 2021 Viettel cũng hoàn thành phát triển mạng lõi 5G đảm bảo có thể có một mạng 5G hoàn chỉnh do người Việt Nam sản xuất.

Tại lễ lý kết, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup chia sẻ, mục tiêu của VinGroup là trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị viễn thông cho các đối tác không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới .

Ông Nguyễn Việt Quang cũng cho biết, theo kế hoạch, trạm gốc di động 5G do VinSmart hợp tác nghiên cứu phát triển cùng với Viettel sẽ chính thức được thương mại hóa từ tháng 6/2021. Đây sẽ là những trạm phát sóng 5G chất lượng cao đầu tiên được thương mại hóa do người Việt Nam làm chủ công nghệ. Phát triển trạm phát sóng 5G “Make in Vietnam” là bước tiến công nghệ lớn không chỉ với Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội mà đó còn là niềm tự hào của người Việt Nam./.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất