Thứ Sáu, 13/12/2024
Viettel: Doanh thu năm 2020 đạt hơn 264,1 nghìn tỷ đồng

Ngày 11/01, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, 11 thị trường đầu tư của đơn vị hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm, giá trị thương hiệu đứng số 1 Đông Nam Á, thứ 9 châu Á với định giá 5,8 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do Viettel đặc biệt chú trọng đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ, chuyển dịch mạnh mẽ và thành công từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, bằng việc hình thành 6 lĩnh vực nền tảng số trong xã hội gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.


 Chuyển đổi số thành công góp phần tạo ra sự tăng trưởng của Viettel trong năm 2020


Ở lĩnh vực viễn thông, điểm sáng kinh doanh phải kể đến viễn thông nước ngoài, khi 10 thị trường của Viettel tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận đảm bảo dòng tiền chuyển về nước tương đương 333 triệu đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng lớn nhất với 41,8% thị phần, dịch vụ di động vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 54,2% thị phần, trong đó thị phần thuê bao data đạt 57%, và là nhà mạng đầu tiên cung cấp kinh doanh thử nghiệm mạng 5G.

Ở lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, đơn vị tiếp tục thực hiện giải pháp công nghệ, hoàn thành các nền tảng công nghệ cốt lõi nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội. Đáng chú ý, triển khai thành công các giải pháp hỗ trợ Chính phủ, bộ, ngành phòng, chống dịch với giá trị gần 4.400 tỷ đồng, cung cấp các sản phẩm số mang tính dẫn dắt thị trường, ví dụ trong lĩnh vực y tế (Telehealth), giáo dục (Viettel Study), thanh toán số (ViettelPay), và giao thông thông minh (ePass).

Đặc biệt, 2 nền tảng ứng dụng AI là Viettel AI Open Platform và Viettel Data Mining Platform (phát triển bởi người Việt, cho doanh nghiệp tại Việt Nam với mức chi phí phù hợp so với các nền tảng nước ngoài) được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là những nền tảng số Make in Viet Nam.

Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, Viettel cũng nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa nước ta vào nhóm 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Nhờ làm chủ 62 công nghệ lõi, đăng ký 97 sáng chế, có 3 bằng sáng chế được cấp độc quyền tại Mỹ mà doanh thu từ sản xuất sản phẩm dân sự đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với năm 2019.

Còn ở lĩnh vực chuyển phát, logistic và thương mại điện tử, các đơn vị thành viên của Viettel tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, với dịch vụ chuyển phát đạt 09% (trung bình ngành 04%); kinh doanh bán lẻ đạt 111% kế hoạch, tăng 339,4% tương đương 46,6 tỷ đồng so với năm 2019.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong năm 2021 và thời gian tới, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel khẳng định: Con đường mà Viettel xác định trong giai đoạn phát triển thứ 4 là tiên phong và chủ lực kiến tạo xã hội số. Đến nay, Viettel đã định hình là một nhà cung cấp dịch vụ số với 6 lĩnh vực chính và sẽ đồng loạt đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực này. Quyết tâm của Viettel là nỗ lực mọi mặt để có thể đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất vào công cuộc chuyển đổi số xã hội mà Chính phủ đã đặt ra như một trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất