Thứ Tư, 15/1/2025
Để “con tàu EVN” dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển

Bài 1: Hành trình đổi mới tư duy và nhận thức

Trong hành trình chuyển đổi số, sẽ có không ít người nghi ngờ về khái niệm này.Tuy nhiên, nếu muốn phát triển và bắt kịp xu thế của thời đại, buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức.Đó chính là yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công trong chuyển đổi số.Và thay đổi nhận thức này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm từ rất sớm.

Chủ động triển khai ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản EVN ước tính 733.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 229.747 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách năm 2020 của toàn Tập đoàn ước đạt 27.800 tỷ đồng. Với vai trò to lớn đối với nền kinh tế của đất nước, trong những năm qua, EVN đã luôn đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất kinh doanh điện.


 Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân và Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng ký biên bản
hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp

 

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN – Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: Xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, Đảng ủy Tập đoàn đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về CMCN 4.0, chuyển đổi số. Tập đoàn luôn động viên, khuyến khích CBCNV nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn và của đất nước. 

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN4.0, ngay từ năm 2017 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN4.0 và Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017 về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tiến hành ngay các công việc cần thiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 11- NQ/ĐU ngày 22/9/2017 về phát triển khoa học công nghệ của EVN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; ban hành Nghị quyết số 25-NQ/ĐU ngày 01/4/2019 về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Tập đoàn đã ban hành các Quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai Đề án.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. 

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Đến nay, 21/21 cấp ủy trực thuộc đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tạo sự lan tỏa về ý thức, hành động trong việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp, đơn vị. Trên cơ sở các Nghị quyết về chuyển đổi số, Tập đoàn đã chủ động tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của chuyển đổi số, ký cam kết với Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) về chuyển đổi số”.

Dành nguồn lực lớn cho chuyển đổi số

Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Tổng giám đốc EVN - Võ Quang Lâm cho biết: Mức chi tiêu cho công nghệ thông tin luôn được Tập đoàn quan tâm, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. 

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/ĐU của Đảng ủy Tập đoàn về chuyển đổi số trong EVN, Tập đoàn đã thực hiện triển khai ngay các nhiệm vụ cụ thể như: truyền thông đến các đơn vị, các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội, đến cán bộ, đảng viên, người lao động về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn; đồng thời chỉ đạo các bộ phận, các đơn vị triển khai các kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức nghiên cứu, hội thảo, đánh giá về các kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số; tổ chức các buổi làm việc với các chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi số; xây dựng chuyên mục Chuyển đổi số, Sổ tay chuyển đổi số… trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn để phổ biến mục tiêu chính về chuyển đổi số của Tập đoàn. 


 Trạm biến áp số 220kV Thủy Nguyên – đây là trạm biến áp không người trực đầu tiên của EVNNPT được hoàn thành đóng điện tháng 4/2021

 

Việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong EVN được xác định là việc thường xuyên và có tính cấp bách.EVN đặt mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. Chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn. Đối với công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho kế hoạch chuyển đổi số, EVN đã triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng, năng lực trình độ cán bộ, nhân viên toàn Tập đoàn, để từ đó có kế hoạch truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động trong từng lĩnh vực cụ thể. 

Theo đó, đến nay, toàn Tập đoàn có khoảng 2.500 CBCNV làm việc trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, trong đó có hơn 1.500 kỹ sư và cử nhân CNTT. Hệ thống ngành dọc viễn thông và công nghệ thông tin được tổ chức chặt chẽ từ Tập đoàn đến đơn vị cấp 3. Số cán bộ, nhân viên trong EVN biết sử dụng máy tính 90.683 người. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, EVN cũng thường xuyên triển khai các buổi hội thảo với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyển đổi số.Đối tượng tham dự các chương trình hội thảo là các lãnh đạo Tập đoàn, các lãnh đạo của các đơn vị thành viên, các đơn vị trực thuộc.

Phó Tổng giám đốc EVN - Võ Quang Lâm cho biết: Việc triển khai chiến lược về dữ liệu như số hóa các dữ liệu hiện có của Tập đoàn đã được Tập đoàn triển khai thực hiện. Sau hơn 20 năm tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, EVN đã quy trình hóa và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý gồm 89 nghiệp vụ cốt lõi, 317 nghiệp vụ nhánh, 111 phân hệ và 643 chức năng chính của 15 phần mềm dùng chung. Theo định nghĩa về các giai đoạn của quá trình chuyển đổi số có thể coi EVN đã trải qua giai đoạn tin học hóa, là bước thứ 2 của quá trình chuyển đổi số. 

Những thành quả tạo đà “bứt phá”

Với những kết quả trong ứng dụng CMCN4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua của EVN, Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận tạo đà cho lộ trình bứt phá để trở thành doanh nghiệp số.

Đáng chú ý, khối nguồn điện, EVN đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy RCM tại Nhà máy Thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; Ứng dụng AI điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Ứng dụng trung tâm quản lý vận hành thông minh Smart OCC tại cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, cụm nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4. Nghiên cứu ứng dụng IoT trong công tác vận hành, sửa chữa bảo dưỡng tối ưu các nhà máy điện, ứng dụng cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2; Ứng dụng công nghệ AI và xây dựng phần mềm dự báo lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Mơ; Nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát lò hơi để hỗ trợ quyết định phương án vận hành và bảo dưỡng tối ưu tại nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. 


 Kỹ sư Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện

 

Trong khối lưới điện, EVN đã hoàn thành 61/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không người trực. Đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110kV (Trạm 110kV Quế Võ 2 – thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) từ tháng 1/2020 và trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 220kV (Trạm 220kV Thủy Nguyên – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) trong tháng 4/2021; Ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện. Ứng dụng AI trong phân tích xử lý hình ảnh phục vụ công tác quản lý thiết bị, đường dây, đầu tư xây dựng. EVN đã cơ bản làm chủ công nghệ, đảm bảo chủ động và tiết kiệm cả chi phí và thời gian trong quá trình đầu tư, vận hành tích hợp hệ thống và triển khai cài đặt, cấu hình ghép nối, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống điều khiển trạm biến áp và trung tâm điều khiển. 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết: Trong khối kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên cả nước; Liên tục nâng cao thời gian cung cấp điện, giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN vào nhóm ASEAN 4, được tổ chức Doing Business đánh giá đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế. 

Trong công tác điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã ứng dụng công nghệ Bigdata và AI trong dự báo phụ tải hệ thống điện, ứng dụng AGC trong tự động điều khiển giám sát vận hành hệ thống điện, vận hành nguồn năng lượng tái tạo.

Về công tác quản trị, hệ thống văn phòng điện tử (E-office) đã được EVN triển khai xuyên suốt từ công ty mẹ - Tập đoàn tới toàn bộ các đơn vị thành viên, triển khai hệ thống ký số, văn phòng không giấy, ứng dụng triệt để họp hội nghị truyền hình trong toàn Tập đoàn, qua đó giảm được rất nhiều chi phí liên quan tới giấy tờ, chi phí đi lại. EVN đã xây dựng hệ thống quản trị thống nhất toàn Tập đoàn về quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh, trong đó bộ sản phẩm “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office) đã được vinh danh tại giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020”.

Bùi Xuân Tiến, Trung tâm Thông tin Điện lực 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất