Thứ Tư, 15/1/2025
Chuyển đổi số - người lao động có lo mất việc làm?

Chủ động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa quan điểm đầu tiên là “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số” và “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”.  

Khi những người lãnh đạo/quản lý, người triển khai, người tiếp nhận kết quả của quá trình chuyển đổi số biết đến và nhận thức đúng về mục tiêu chung, về lợi ích của mình khi được hưởng những thành tựu của chuyển đổi số thì họ sẽ cảm thấy bớt rào cản, cùng chung tay góp sức vào quá trình này. 


 Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đào tạo “chiến lược và giải pháp chuyển đổi số” với mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng tổng quan về chuyển đổi số cho cán bộ cấp lãnh đạo, quản lý

 

EVN đã xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo và toàn thể CBCNV trong Tập đoàn, trong đó nhiệm vụ “nâng cao nhận thức của CBCNV trong Tập đoàn” và đào tạo chuẩn bị năng lực cho những đối tượng liên quan trực tiếp trong quá trình chuyển đổi số” được xác định phải thực hiện trước tiên.

Trên thực tế, EVN đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay.Từ năm 2017, Tập đoàn đã tập trung triển khai nhiều chương trình đào tạo cho nhóm công nghệ thông tin. Cụ thể chỉ tính riêng ở cấp Tập đoàn đã tổ chức 50 khóa học về quản lý dữ liệu, an ninh bảo mật, phát triển phần mềm, Big Data, IoT… cho 1.032 lượt cán bộ trong lĩnh vực CNTT. Trong giai đoạn 2016-2020, các Tổng công ty thuộc Tập đoàn cũng dành trung bình 11% chi phí đào tạo hàng năm cho các chương trình phát triển năng lực công nghệ thông tin.

Song song với nhóm CNTT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang phát triển các nhóm chuyên gia tự động hóa, từ năm 2018 đến nay đã có đào tạo 6 lớp chuyên sâu và 4 hội thảo cho ứng viên chuyên gia Tập đoàn trong các lĩnh vực tự động hóa, nhiệt điện, thủy điện và lưới điện. Đây sẽ là những nhóm chuyên gia được xây dựng với kỳ vọng là nhóm hành động chiến lược để triển khai các dự án chuyển đổi số của Tập đoàn.

Đối với các cấp lãnh đạo và quản lý, trong năm 2020, Tập đoàn cũng đã mời các chuyên gia quốc tế, các tổ chức tư vấn quản trị nổi tiếng sang trao đổi, tọa đàm về chuyển đổi số, những yếu tố góp phần nên thành công trong dẫn dắt chuyển đổi số, kinh nghiệm triển khai thực tế của các doanh nghiệp khác trên thế giới…

Từ năm 2018, Tập đoàn đã triển khai hệ thống học trực tuyến E-learning với sự tham gia của CBCNV toàn Tập đoàn. Chỉ riêng năm 2020, tính đến thời điểm ngày cuối năm 2020 đã có 1.361.489 lượt tham gia học trên E-learning, bình quân mỗi người đã vào học 13,98 lượt trong năm. Đây là một thói quen tốt mà Tập đoàn muốn xây dựng trong toàn Tập đoàn, chuẩn bị cho việc triển khai các chương trình chuyển đổi nhận thức.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công tác đào tạo đã được EVN chuẩn bị trước. Tuy nhiên, để đi song hành với kế hoạch chuyển đổi số, Tập đoàn xác định còn nhiều việc phải làm. Áp lực chắc chắn có nhưng EVN đã sẵn sàng.


 Người lao động EVN đang thích ứng với công cuộc chuyển đổi số

 

Cụ thể, chuyên gia được coi là nhóm hành động chiến lược để triển khai các dự án chuyển đổi số. Do đó, nhóm này được tách riêng và có chương trình đào tạo riêng. Tập đoàn hiện đang phát triển song song hai nhóm chuyên gia: chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ (như sản xuất, đầu tư, kinh doanh….) và chuyên gia về công nghệ thông tin. Để xây dựng được các dự án chuyển đổi số ứng dụng được vào quá trình quản lý, hai nhóm chuyên gia này cần làm việc chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc đào tạo và phát triển chuyên gia nội bộ, Tập đoàn cũng xây dựng các chính sách thu hút hoặc thuê các chuyên gia bên ngoài để kịp thời triển khai các dự án cấp bách.

Đối với nhóm công nhân nói chung, qua quá trình triển khai E-learning Tập đoàn đã tạo cho họ thói quen học tập và thi sát hạch trên phần mềm. Các bài giảng E-learning đã giúp họ có cơ hội học, ôn thi mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa các nội dung sát hạch. Trong thời gian tới, EVN dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện phần mềm E-learning để người công nhân bên cạnh việc học có thể tra cứu các tài liệu trực tiếp liên quan đến công việc hàng ngày của họ như quy trình an toàn, quy trình vận hành, tài liệu kỹ thuật thiết bị…. 

Theo Ban Tổ chức và Nhân sự - Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Các tài liệu, bài giảng trên phần mềm E-learning là kho tri thức vô tận đối với mỗi người. Khi chúng ta đã xây dựng được văn hóa học tập, khai thác trên E-learning, mỗi người có thể tự học, tự phát triển bản thân mà không có giới hạn và không phụ thuộc vào lãnh đạo hay tổ chức. Khi đó EVN sẽ trở thành một tổ chức học tập tốt.

Người lao động không lo mất việc làm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố chủ chốt trong sự thành công của mọi công việc, không riêng chuyển đổi số.Và để chuyển đổi số thành công cần có sự tham gia và phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ CBCNV trong Tập đoàn.Nhiều bài viết, phát biểu của các chuyên gia, nhà tư vấn đều đồng nhất với quan điểm này. Ví dụ, ông Phương Trầm - Tư vấn trưởng Chuyển đổi số của Tập đoàn FPT trong phát biểu của mình luôn nhấn mạnh đến vấn đề con người: “Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi.Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự”.

Để triển khai kế hoạch chuyển đổi số, tư vấn cho công tác này tại EVN đã phân thành 4 nhóm nguồn nhân lực liên quan: nhóm lãnh đạo, nhóm quản lý, nhóm chuyên gia, nhóm người lao động. Công tác đào tạo đã được chuẩn bị và triển khai cho cả 4 nhóm này.Trong kế hoạch giai đoạn tới, Tập đoàn tiếp tục tổ chức đào tạo chuyển đổi nhận thức và đào tạo chuyên sâu với những chương trình được thiết kế riêng cho từng nhóm và đảm bảo chuẩn bị năng lực phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số cụ thể.


 “Quầy giao dịch số” của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế

 

Tập đoàn đã xác định 5 lĩnh vực lớn để chuyển đổi số: sản xuất điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng và VT&CNTT. Quá trình chuyển đổi số cụ thể là chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa, các hoạt động thủ công, chưa tự động thành tự động, áp dụng công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ, lạc hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã xác định thứ tự ưu tiên của chuyển đổi số là từ các công việc nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chi phí ít đến nhiều, từ hiệu quả cao đến hiệu quả thấp. Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn toàn tin rằng người lao động sẽ được hỗ trợ nhiều để nâng cao hiệu quả công việc của mình sau quá trình chuyển đổi số.

Theo lãnh đạo EVN, xã hội đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn và chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.Đứng trước cuộc cách mạng nào câu hỏi này cũng đều đặt ra nhưng như chúng ta đã thấy nhiều công việc không còn tồn tại nhưng đồng thời nhiều việc mới được tạo ra. Điều đó đã tạo nên nền văn minh nhân loại mà chúng ta có ngày hôm nay. Song song với quá trình tự động hóa và chuyển đổi số, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn chỉ đạo kịp thời các chương trình bố trí, sắp xếp lại lao động và đào tạo chuyển đổi ngành nghề. Đương nhiên, quá trình này luôn là thách thức rất lớn đối với những người làm công tác tổ chức nhân sự. Nhưng chúng ta đã thấy, Tập đoàn luôn giải quyết ổn thỏa các chính sách về lao động, đơn cử như quá trình triển khai mạnh mẽ các trạm biến áp không người trực vừa qua.

Bùi Xuân Tiến 




Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất