Thứ Tư, 15/1/2025
EVN quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số

Truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong Khối DNTW

Trong chương trình khảo sát công tác chuyển đổi số tại EVN vào tháng 3/2021 nhằm phục vụ xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng bộ Khối DNTW, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW – Phạm Tấn Công đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Đảng ủy EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, cho thấy Đảng ủy EVN đã nhận thức sớm, quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ trong chuyển đổi số.
Với vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu EVN chuyển đổi số thành công cũng sẽ đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác của đất nước, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của đất nước nhanh hơn, mạnh hơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW cho biết.


 Buổi làm việc của Đảng ủy Khối DNTW nhằm khảo sát công tác chuyển đổi số tại EVN, tháng 3/2021

 

Đồng chí Phạm Tấn Công cũng cho rằng, EVN đã có nguồn lực về cơ sở hạ tầng rất tốt để triển khai chuyển đổi số, nhưng quan trọng hơn là chiến lược, quyết tâm chính trị cao của Ban lãnh đạo Tập đoàn, để các đơn vị trong toàn Tập đoàn cùng quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Lãnh đạo Đảng ủy Khối đánh giá, những kết quả trong chuyển đổi số của EVN thời gian qua là rất đáng ghi nhận, truyền cảm hứng để các doanh nghiệp khác trong Khối học hỏi và phấn đấu.

Đánh giá về công tác chuyển đổi số tại EVN, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới quan trọng hơn là sáng tạo công nghệ. Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu, còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám của lãnh đạo EVN hay của lãnh đạo địa phương.Việc chuyển đổi số thành công phụ thuộc vào sự dẫn dắt của người đứng đầu EVN.Bởi vậy, lãnh đạo EVN cần đặt ra các mục tiêu cao trong công cuộc chuyển đổi số ngành Điện đặt trong bối cảnh CMCN 4.0.

“Tập đoàn Điện lực Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong chuyển đổi số, với ưu thế là Tập đoàn mạnh, có tiềm lực tài chính, có hạ tầng quy mô, sở hữu nhiều nguồn dữ liệu và dễ dàng kết nối. Tôi thấy rõ khát vọng của lãnh đạo EVN trong công cuộc chuyển đổi số của ngành mình, lĩnh vực mình. Tôi đặt niềm tin EVN sẽ là doanh nghiệp nhà nước tiên phong chuyển đổi số thành công tại Việt Nam vào năm 2022, đủ sức tạo sự lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Sẽ mang đến nhiều thay đổi cho khách hàng

Ông Võ Quang Lâm - Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong thời gian qua, EVN là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số.


 Hội nghị Chuyển đổi số và An toàn mục thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được tổ chức từ 8-9/4/2021 với tiêu nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong EVN, lĩnh hội kiến thức mới từ các cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin, chia sẻ kinh nghiệm từ các hãng công nghệ lớn

 

Điển hình, năm 2013, EVN là doanh nghiệp đầu tiên triển khai hóa đơn điện tử trên quy mô toàn quốc, mang đến nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2019, EVN được ghi nhận là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên triển khai cung cấp hợp đồng điện tử tới khách hàng toàn quốc. Cũng năm 2019, khi Chính phủ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia, EVN là một trong số các đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên Cổng. Tới nay, 77% yêu cầu dịch vụ trên Cổng là dịch vụ điện. 

Phó Tổng giám đốc EVN - Võ Quang Lâm khẳng định, Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết tâm rất cao trong triển khai chuyển đổi số.EVN cũng đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới. Cùng đó, EVN nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng đề án chuyển đổi số của Tập đoàn.

Ông Võ Quang Lâm chia sẻ, mục tiêu của EVN là sẽ xây dựng một hệ sinh thái số của Tập đoàn. Trong đó, kết nối thống nhất các sáng kiến chuyển đổi số từ các đơn vị thành viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng trên toàn quốc cũng có thể tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số này trên tinh thần hợp tác, chia sẻ.EVN mong muốn xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái số này.
Ông Nguyễn Hồng Việt - Tổng Giám đốc SAP Việt Nam đánh giá: Chuyển đổi số là một hành trình, chứ không phải là một dự án hay một sáng kiến. Chuyển đổi số sẽ bắt đầu và kéo dài tới chừng nào doanh nghiệp còn vận hành, còn phát triển. Qua làm việc với EVN tôi nhận thấy rất rõ quyết tâm của lãnh đạo EVN trong chuyển đổi số. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban lãnh đạo EVN, tôi tin trong thời gian tới đây, sẽ có rất nhiều điều thay đổi mà EVN mang đến cho khách hàng của mình. SAP Việt Nam là đối tác tư vấn và cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp, để áp dụng những giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số. SAP mong muốn được hợp tác với EVN, mong muốn mang kinh nghiệm đã có được ở nhiều nước chia sẻ với EVN, hỗ trợ EVN quản trị doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ khách hàng sử dụng điện tốt hơn. 


 Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số và an toàn thông tin năm 2021

 

Ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT chi sẻ: Điều ấn tượng với tôi, là ý chí của Ban lãnh đạo EVN về chuyển đổi số rất lớn. Điều này trong phương pháp luận của chúng tôi cũng khẳng định, sự thay đổi từ chuyển đổi số luôn bắt đầu từ người đứng đầu. Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm đó, nguồn năng lượng đó sẽ được lan toả, truyền tải rất nhanh tới các cấp để toàn hệ thống có sự thích nghi và xây dựng văn hoá chuyển đổi số. Ở FPT, chúng tôi đã xây dựng các ứng dụng trong hệ sinh thái số như: FPT AI, FPT Cloud... Chúng tôi nghĩ EVN có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo cùng việc phân tích các dữ liệu lớn, qua đó có thể xây dựng các “chân dung 360 độ” về khách hàng, tạo ra sự đột phá trong chăm sóc và tăng trải nghiệm của khách hàng về những dịch vụ của EVN.

Một số mục tiêu chính trong chuyển đổi số của EVN:
1. Lĩnh vực sản xuất điện:
- Đến năm 2022, 100% thiết bị lưới điện truyền tải được số hóa và 80% thiết bị lưới điện 110kV được số hóa. 
- Ứng dụng hiệu quả phương pháp hiện đại trong công tác sửa chữa các thiết bị điện nhằm tăng hiệu quả vận hành, khai thác hệ thống. 
- Ứng dụng AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh trong giám sát kiểm tra, sửa chữa đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh và phục vụ bài toán phân tích và dự báo công suất. 
2. Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng:
- 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và số khách hàng tham gia giao dịch trực đạt 90%.
- 100% các công việc giao tiếp tại hiện trường với khách hàng được thực hiện online.
- Ứng dụng AI để phân tích các yêu cầu khách hàng.
3. Lĩnh vực quản lý ĐTXD, Quản trị nội bộ và hiện đại hóa hệ thống VT&CNTT:
- Ứng dụng công nghệ BIM, công nghệ 3D trong công tác quản lý ĐTXD.
- Chuyển đổi hệ thống quản lý văn bản nội bộ từ E-Office sang Digital Office.
- Nâng cấp hệ thống VT&CNTT đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng chuyển đổi số.
- Tiếp tục chuyển đổi nhận thức cho toàn bộ CBCNV trong Tập đoàn cùng chuyển dịch làm việc trên không gian số, hình thành văn hóa số tại EVN.
- Xây dựng kế hoạch đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ chuyên gia có khả năng phân tích và ra quyết định trong tác nghiệp số… 


Bùi Xuân Tiến -Trung tâm Thông tin Điện lực 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất