Thứ Năm, 2/1/2025
Hội nghị Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
 
Quang cảnh Hội nghị 

 

Tham gia chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo các ban đảng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, một số hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, thường trực tỉnh, thành ủy; thường trực UBND, HĐND các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo của Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành…

Hơn 80% vụ việc được hòa giải thành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, vừa là nhu cầu khách quan, vừa là chủ quan, tất yếu trong cuộc sống, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tăng cường “tình làng nghĩa xóm”, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng, xã.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu khai mạc Hội nghị 


Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hoạt động hòa giải trong và ngoài tố tụng đã có bước phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.

“Chủ đề Hội nghị cho thấy bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận... Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, tích cực hòa giải để tìm được tiếng nói chung, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn”.

- Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Trương Thị Mai mong rằng qua Hội nghị này, hoạt động hòa giải sẽ tiếp tục có bước đổi mới, tiến bộ hơn, hiệu quả hơn góp phần cho công tác dân vận; giảm bớt vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giảm bớt số vụ, việc dân sự, khiếu kiện hành chính, tranh chấp lao động phải xét xử tại Tòa án; giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng hướng về những mục tiêu lớn hơn của đất nước.

Hội nghị đã nghe 3 báo cáo quan trọng bao gồm: Báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; Báo cáo về vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và Báo cáo về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Các báo cáo nhấn mạnh: Qua 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác hòa giải cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư. Tại Tòa án, nhiều năm qua, hoạt động hoà giải, đối thoại trong tố tụng luôn được khuyến khích và chú trọng, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các Tòa án tăng dần qua từng năm, góp phần giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng, nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Mới đây, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã thông qua vào ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên. Từ ngày 01/01/2014 đến 30/9/2019, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,6%.

Bên cạnh những kết quả chính đạt được nêu trên, các báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở như: Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp với thực tiễn; chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều; ở một số địa phương sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở còn chưa chặt chẽ; ở một số địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở chưa có sự gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận; nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực bảo đảm triển khai công tác hòa giải ở cơ sở...

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phát huy vai trò của công tác dân vận

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe một số ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo UBND, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đại diện một số cơ quan liên quan, một số hòa giải viên tiêu biểu... là những nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải đối thoại tại Tòa án. Nhiều ý kiến đã đề xuất một số giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án gắn với vai trò của công tác dân vận trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua. Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án các cấp trong việc triển khai thực hiện hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng. Đặc biệt, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở, quan tâm, đảm bảo kinh phí, điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động của Tổ hòa giải và Hòa giải viên; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng…

 
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị


Đánh giá cao thành tựu của công tác dân vận trong thời gian vừa qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng thực chất hoạt động hòa giải ở Tòa án chính là công tác dân vận; ở tất cả vụ việc hòa giải thành đều thấy có phương pháp “dân vận khéo”. Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị  tất cả các tòa án, đặc biệt là các thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Các thẩm phán phải tham gia đầy đủ và có trách nhiệm tất cả các thiết chế hòa giải từ hòa giải cơ sở đến hòa giải tại tòa án. Các cấp ủy và Ban dân vận tại các địa phương cần quan tâm chỉ đạo để đưa Luật Hòa giải, đối thoại ở Tòa án đi vào cuộc sống.

 
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

“Tất cả vụ án hòa giải thành công đều có phương pháp dân vận khéo, vận động chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ cảm thông của các bên tranh chấp”.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

 

Thay mặt Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh các cơ quan đã tổ chức hội nghị có ý nghĩa này; đồng thời trân trọng cảm ơn sự nỗ lực các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đặc biệt là các hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở đã hoạt động rất hiệu quả trong thời gian vừa qua, góp phần đổi mới công tác dân vận của chính quyền, tạo điều kiện cho các cấp chính quyền hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ổn định môi trường xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Để thực hiện tốt chủ đề “Năm Dân vận khéo 2020”, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn “khéo” thì các hòa giải viên, cán bộ, chính quyền các cấp không chỉ chú trọng công tác dân vận nói chung, hoạt động hòa giải nói riêng mà đặc biệt phải nắm chắc các quy định của pháp luật. Quá trình hòa giải cũng là một kênh rất quan trọng để phản biện chính sách, hoàn thiện chính sách, pháp luật...

 
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị 


Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, trong thời gian qua, cơ quan dân vận, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân các cấp đã làm tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Thông qua hoạt động hòa giải góp phần gìn giữ, phát huy đạo đức, văn hóa tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, cùng vận động nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị


Trước yêu cầu nâng cao, đổi mới đối với công tác dân vận trong hoạt động hòa giải hiện nay và trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, ngành Tư pháp và Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công của mình tiếp tục quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau thực hành tốt kỹ năng “Dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải, qua đó thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò và ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở giúp người dân thấy rõ được tính ưu việt và lợi ích mà hòa giải cơ sở, hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại cộng đồng dân cư…

Tin Hà Thanh, ảnh Tiến Thắng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất