Thứ Năm, 19/9/2024
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đi thực tế, tham quan Hà Nội và tỉnh Ninh Bình

Tại Hà Nội, Đoàn tham quan qua các địa điểm nổi tiếng như: Nhà hát lớn, Vườn hoa Con Cóc, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, Đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hoả Lò... Đoàn ấn tượng với sự yên bình, với những kiến trúc, những địa danh mang nét cổ xưa của Hà Nội.

 


 Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà hát lớn Hà Nội

 


 Đoàn tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng


Tại Ninh Bình, Đoàn đã đi thăm chùa Bái Đính, khu di tích tâm linh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Với tuổi đời hơn 1.000 năm, chùa Bái Đính được xem như chứng nhân quan trọng qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời cuộc. Trước đây, vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn nơi đây lập đàn cầu tế trước khi dẹp loạn 12 sứ quân, mong cầu quốc thái dân an. Đặc biệt, chùa Bái Đính chính là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng tượng Phật và tu hành. Tại đây, Đoàn đã thăm bảo tháp chùa Bái Đính, chiêm ngưỡng ngọc xá lợi Phật.


 Đồng chí In-la-văn Kẹo-bun-phăn, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào,
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước
và đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
thỉnh chuông tại chùa Bái Đính

 


  Đoàn chiêm ngưỡng ngọc xá lợi Phật tại bảo tháp chùa Bái Đính


Đoàn cũng tham quan danh thắng Tràng An, nơi có vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ tạo bởi dãy núi đá vôi 250 triệu năm tuổi soi mình xuống dòng nước sông trong vắt. Sự hài hòa giữa sông nước và núi đá tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình đầy sức quyến rũ. Ngoài ra, đây còn là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá. 


 Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại danh thắng Tràng An, Ninh Bình


Đặc biệt, Đoàn đã đi thăm Đền thờ công chúa Nhồi Hoa tại xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, đoàn đã được ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình giới thiệu về lịch sử ngôi đền.  

Đền thờ được lập từ thế kỷ XV để ghi nhớ công đức của công chúa Nhồi Hoa nước Lào, đã đem voi sang giúp nước Đại Việt đánh giặc. Theo sử sách ghi lại vào thế kỷ XV dưới thời vua Lê Thánh Tông, có một vị công chúa nước Lào tên là Nhồi Hoa đã theo lệnh vua cha mang hàng trăm con voi sang giúp nước Việt đánh giặc. Sau đó công chúa Nhồi Hoa đã lâm bệnh và qua đời tại Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa tại nơi mất là khu vực ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan ngày nay. Bà đã được nhiều đời vua ban sắc phong, đặc biệt được phong Thượng Đẳng Thần dưới triều Nguyễn.



 Đoàn dâng hương tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa


Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đền được nhân dân địa phương dành nhiều tâm sức bảo tồn, trùng tu, trở thành một biểu tượng văn hóa đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào sắt son, thủy chung trong suốt chiều dài lịch sử. Cứ vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội truyền thống với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt - Lào. Trong lễ hội có phần múa hát theo điệu cổ truyền của nước Lào để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa. 


 Đoàn dâng hương trước lăng mộ công chúa Nhồi Hoa

 

Tại đây, đồng chí In-la-văn Kẹo-bun-phăn đã vô cùng xúc động thể hiện sự tôn kính của mình trước lăng mộ công chúa Nhồi Hoa. Đồng chí thay mặt nhân dân Lào bày tỏ sự biết ơn Việt Nam và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã lập đền thờ tưởng nhớ công chúa Lào. Đồng chí cũng mong muốn nơi đây cũng sẽ là một điểm đến đầy ý nghĩa về văn hóa, lịch sử để thu hút khách du lịch Lào và trao đổi về mọi lĩnh vực. Di tích này cũng chính là biểu tượng của  tình  hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững.

Trong chuyến thăm này, đồng chí In-la-văn Kẹo-bun-phăn đã tặng Tỉnh ủy Ninh Bình bức tranh thổ cẩm dệt hình hai chú voi, đặc trưng của đất nước Triệu Voi.

Bích Quyên






Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất